Lưu trữ theo thẻ: Diva Hồng Nhung

Hồng Nhung tổ chức live stream “rất to” mừng sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tối ngày 28.02.2024, Hồng Nhung làm không ít khán giả bất ngờ khi huy động cả một êkip chuyên nghiệp hỗ trợ cho buổi live stream tại chính căn nhà của chị ở Sài Gòn (Bống hay gọi là Chez Hồng Nhung). Buổi trò chuyện và hát nhạc Trịnh Công Sơn của Bống vào chính ngày sinh nhật của nhạc sĩ mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả.

Hồng Nhung xuất hiện đầy “nghiêm túc” nhưng rất đỗi trẻ trung, đáng yêu trong tà áo dài truyền thống màu hồng được thiết kế riêng cho buổi live stream theo phong cách rất xưa nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng, mới mẻ. Ngẫm thấy ông đạo diễn Lê Hoàng nói không có ngoa là “Hồng Nhung luôn làm khán giả chết lặng đi vì bất ngờ”, dù biết Bống vốn kỹ tính, cầu toàn nhưng việc chị biến buổi live stream tưởng chừng “cây nhà lá vườn như mọi lần” thành một Talk show có kịch bản hẳn hoi, rất chuyên nghiệp. Khán giả phát hiện ra sự “bất thường” ngay khi ca khúc live “Bống bồng ơi” được cất lên cùng tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Hoài Sa, âm thanh quá hay “như ở nhà hát” và cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ nhanh chóng tiết lộ là chị có cả êkip hùng hậu hỗ trợ phía sau.

Bống có nhiều lý do để tổ chức live stream “rất to”, trước hết vì muốn mừng sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dành tình cảm trân trọng đối với người nhạc sĩ gọi Bống là “người quá gần gũi, không biết gọi là ai?”, rồi kết hợp cả sự kiện ra mắt phiên bản Digital cho album Trịnh Công Sơn – Bống là ai? trên các nền tảng nhạc số vào đúng 0 giờ 00 phút ngày 28/02/2024.

Những câu chuyện liên quan đến dự án âm nhạc lớn nhất của Hồng Nhung trong năm 2023 “Bống là ai?” được chia sẻ thật thú vị, ấm áp. Ánh mắt chị vẫn vui tươi, lấp lánh khi nhắc đến những kỷ niệm gắn với dự án, đó là những ngày thu âm đĩa than nhạc Trịnh – Bống là ai? tại phòng thu nổi tiếng ở nước Pháp cùng các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và quá trình tổ chức live show nhạc Trịnh Công Sơn – Bống là ai ? tại Nhà hát lớn Hà Nội hồi tháng 3 năm ngoái.

Với dự án âm nhạc “Bống là ai?” thành công rực rỡ, Hồng Nhung đã hoàn thành ước nguyện, mong muốn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông muốn Hồng Nhung làm một album nhạc Trịnh phong cách Blues-Jazz mang âm hưởng văn hóa Pháp. Theo tư liệu báo chí, năm 1994, Hồng Nhung đã bắt tay thu âm album nhạc theo phong cách Jazz mang tên “Bống là ai?” nhưng không được ra mắt (nhạc sĩ Đức Trí là người phối khí, thu thanh vẫn còn giữ băng thu âm “Bống là ai ?” anh từng chia sẻ một số đoạn thu Sóng về đâu, Vết lăn trầm rất hay).

 Trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Tạp chí Điện Ảnh TP. HCM số 176, phát hành ngày 01.12.1993, khi được hỏi: “Ca sĩ trẻ nào hát nhạc của chú hay nhất ?” , Trịnh Công Sơn trả lời: “Là Hồng Nhung trong băng nhạc sắp tới” (băng nhạc Bống bồng ơi!).

Nghe Bống hát Bống bồng ơi, Như cánh vạc bay, Người con gái Việt Nam da vàng, Cuối cùng cho một tình yêu trong chương trình live stream tối 28.02 mới thấy hết tình yêu của chị dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, cách chị hát và kể chuyện vẫn rất đỗi nữ tính, duyên dáng, lôi cuốn mang “vẻ đẹp giản đơn” nhưng thật sâu sắc, khó quên.

Cuối buổi live stream Hồng Nhung hài hước “nhắn nhủ” nhạc sĩ Hoài Sa, đạo diễn Cao Trung Hiếu tập trung làm các dự án âm nhạc “phải vội lên không có chị già mất”. Người viết thì nhớ mãi câu nói của chị Bống rằng: “Chị không bao giờ nghỉ hát, chỉ trừ khi sức khỏe không cho phép”. Chợt nhớ Bống mới đoạt giải thưởng “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng” trong chương trình truyền hình thực tế cùng tên, khán giả bất ngờ bởi cá Bống ở Hồ Tây nhỏ nhoi mà đạp gió, rẽ sóng ra biển lớn mạnh mẽ đến vậy. Hạnh phúc giản đơn, sống và sáng tạo như Bống…..

Mạnh Hải (Ảnh minh họa: Tự chụp bộ sưu tập và lấy từ FB Nhà Bống)

Hạnh ngộ âm nhạc: Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung (2021)

Bống – Hồng Nhung, không may mắn như đứa trẻ bình thường hạnh phúc. Bố mẹ chia tay khi Bống vừa chào đời. Bé bằng cái chai, Bống chuồi vào cuộc đời rợn ngợp mênh mông, như con bống nhỏ bơi lạc giữa Hồ Tây thủ đô. Khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa. Lê Văn Viện, cha Bống, dịch giả tiếng Anh, nuôi con theo cách dân gian là nuôi bộ và mẹ ông đã tận tình… giải cứu con trai bằng cách thân chinh nuôi cháu. Bống còn được ông nội Lê Văn Ngoạn, họa sĩ lứa tài năng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương yêu chiều cưu mang, bởi con đầu cháu sớm (Bống là gái đầu, bố là “trai hoi” của ông nội). Bạn bè của cha Bống ai cũng sẵn lòng thương quý con Bống nhỏ nhoi – thiếu hơi mẹ từ thuở lọt lòng.

Bống kể có lần thu thanh ca khúc về mẹ của Trịnh Công Sơn, cả Sơn và Bống đều không cầm được nước mắt khi Bống nghẹn ngào hát: Trong khi con nằm mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con đi… Và ở Hà Nội, Bống lần đầu hát tiếng Anh bài Papa, cả cha Bống và bằng hữu đều rưng lệ.

Tính cách Bống hình thành trong khung cảnh Hà Nội thời bấy giờ, giao thoa giữa thời chiến và thời bình, những năm 70, 80 thế kỷ XX, ở số nhà 11 Điện Biên Phủ,  êm đềm trong vòng tay yêu thương của ông bà nội, của cha và cả hệ thống bạn bè cha, đã tác thành Bống Hồng Nhung – một tính cách độc lập, biết giấu nỗi đau riêng, dưới vẻ ngoài mạnh mẽ, hài hước, và lịch lãm, nghiêng về tính dương. Lý do từ số phận riêng tư ấy đã đưa đẩy Bống theo cha vào Sài Gòn lập nghiệp hát từ tuổi 20, năm 1990, đủ xui khiến Bống – Hồng Nhung ca sĩ gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn nhạc sĩ, như hạnh ngộ bất ngờ, đủ đong đầy cuộc cách tân hát nhạc Trịnh, sau Khánh Ly, của giọng hát Hồng Nhung. Với cách hát khác và giọt nước mắt khác (thơ Olga Bergon – Nga): Năm tháng đắng cay hơn/ Năm tháng ngọt ngào hơn/ Em mới hiểu bấy giờ anh có lý/ Hạnh phúc đã qua rồi/ Anh đã xa cách thế/ Em khóc khác xưa rồi/ Hát cũng khác xưa theo (Bằng Việt dịch).

Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung bên ảnh chân dung Khánh Ly (TP.HCM, tháng 10.1994)


Năm 1970, Hồng Nhung chào đời, thì vào thời điểm ấy, Trịnh Công Sơn (sinh năm 1939), đã huy hoàng lên ngôi thần tượng âm nhạc ở miền Nam, rực rỡ phát sáng qua chiếu tỏa đặc biệt của giọng hát Khánh Ly. Một giọng hát nghiêng về ánh sáng trầm alto, hơi khê khàn, váng vất liêu trai, chập chờn mê hoặc người nghe, chỉ riêng có ở Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Và dường như duy nhất Khánh Ly, đã thấu suốt và đi hết đường biên vùng âm nhạc rộng rinh của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly vừa chứng tỏ một quyền năng ca sĩ tối hậu, lại vừa biểu lộ sự tự nguyện đóng đinh câu rút mình trên cây thập giá nhạc Trịnh. 

Tôi nhớ mãi khoảng thời gian giữa thập niên 1970, sau giải phóng miền Nam. Không gian Hà Nội tràn ngập hiện hữu bọn thanh niên đầu xanh tuổi trẻ chúng tôi, vừa tốt nghiệp đại học, đều bị choáng váng, ngây ngất bởi sự tân kỳ, chói chang, lộng lẫy, chưa từng nghe, từng biết, từ nhạc Trịnh, qua giọng hát mọng chín vẻ đẹp hoang hoải liêu trai, chứa chan hoan lạc buồn của Khánh Ly (Sơn Ca 7).

Tôi cùng bạn bè Hà thành đã nghe mê man, hát say đắm các ca khúc nhạc Trịnh, mà vừa chạm mặt, đã phải lòng. Âm nhạc Trịnh là cả một thế giới mới, chi chít ấn tượng tươi ròng, vừa thật lạ, lại thật quen. Với nỗi buồn sầu trong trời đất nổi cơn gió bụi, nỗi xót thương những tàn phai, niềm tiếc nuối vô bờ vẻ đẹp thoáng qua, vẫn gây mùi nhớ của tình đầu không thuận thảo, với Diễm xưa, Chiều một mình qua phố. Và Tuổi đá buồn, đóa hồng nhung héo môi hôn ngày chủ nhật. Đôi vai gầy thiếu nữ Huế ướt mềm ánh trăng, nhẹ lướt qua ngõ nhỏ gần Tỳ bà viện của đêm kinh thành Huế, ngan ngát đầy trời mưa bay… Và cùng nhạc Trịnh cất cánh lên cao, nghĩ ngợi vô vi, in dấu chân lên vườn địa đàng đầy gió và tiếng reo khe khẽ nắng thủy tinh. Cùng giấc mộng hôm nao em về, bàn chân buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên đây hoang vu. Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn. Vậy đấy, nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly đã đi không chỉ cùng tuổi xanh chúng tôi. Và không chỉ trong không gian Hà Nội, kể từ sau năm 1975. 

Tôi đã mang theo hành trang xa xứ của tuổi thiếu phụ, nhiều tình khúc nhạc Trịnh đẹp và buồn, cho đến ngày từ nước Nga về Sài Gòn định cư năm 1992. Và chứng kiến tận mắt, cuộc hạnh ngộ âm nhạc, giữa Trịnh Công Sơn nhạc sĩ và Hồng Nhung ca sĩ. Một hạnh ngộ đẹp bất ngờ. Giữa Sớm và Muộn, giữa Xanh và Chín

Chính cuộc hạnh ngộ ấy đã làm lung lay thói quen nghe nhạc Trịnh cố hữu của tôi, đã thành hoài niệm chẳng tàn phai, về vùng nhạc đẹp đến không thể quên, gắn chặt với một trùng phùng – giữa nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly.

Từ xa xứ trở về, do thân quen từ trước, Sơn và Bống Hồng Nhung đều muốn tôi nghe Hồng Nhung lần đầu hát Gọi nắng ở quán Nhạc sĩ, đường Nguyễn Văn Chiêm, bên hông Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thấy Trịnh Công Sơn ngồi ở chỗ thường quen, bên trái sân khấu, rưng rưng đợi nắng từ giọng hát Hồng Nhung. Đôi mắt mờ lệ sau cặp kính trắng. Quây quần quanh Sơn là những khuôn mặt và ly rượu bạn bè: Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, và hai nhạc sĩ ưa xê dịch, mới bay từ Hà Nội vào: Hồng Đăng và Đàm Linh.

Chính là Trịnh Công Sơn đã “mắt xanh” phát hiện khuôn mặt âm nhạc của mình, được phản chiếu lung linh, tươi sáng, qua giọng hát Hồng Nhung, như qua mặt hồ trong, phảng phất gương hồ nổi tiếng Hà thành: Hồ Gươm, Hồ Tây, Trúc Bạch.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “Bống Bồng Ơi” (TP.HCM, tháng 12.1993)


Sơn thấy mình xanh trở lại, như lá nõn mùa xuân trổ lộc. Lòng mềm dịu hẳn, trước giọng hát chín sớm của Hồng Nhung tuổi hai mươi. Có lẽ vì phải chín quá sớm, vượt thời gian, mà nó vừa mong manh, vừa mạnh mẽ, vừa khờ dại, vừa khôn ngoan, vừa khỏe khoắn, rắn rỏi, lại tinh tế nồng nàn, trong một phong thái biểu diễn trẻ trung hồn nhiên, già dặn kỹ thuật thanh nhạc sân khấu. Trịnh Công Sơn đã thật cảm động, viết liền ca khúc Bống Bồng ơi (sau là ca khúc Bống không là Bống và Thuở Bống là Người), riêng tặng cho tính cách âm nhạc và chất giọng soprano lảnh lót ngân rung của Hồng Nhung. Như lời ru êm của tình ái: Ru em ngồi yên đấy. Tôi tìm cuộc tình cho. Và như một thảng thốt ngạc nhiên trước sự trẻ lại của chính mình, trong giai điệu âu yếm, láy đi láy lại, thiết tha gọi một tia nắng: Nắng vàng, Em đi đâu mà vội/ Nắng vàng, Nắng vàng ơi/ Em đi đâu mà vội/ Lay nhẹ đóa hồng nhung/ Gió vàng gió vàng bay (ca khúc Bống Bồng ơi).

Dường như đã ngấp nghé nảy sinh lần nữa, một trùng phùng âm nhạc, giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một ca sĩ trẻ, sau Khánh Ly – với tuổi hai mươi yêu dấu của Hồng Nhung. Một tái sinh, mà Trịnh Công Sơn đã không thể ngờ.

Khi nghe những ca khúc như được dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung, nói như Sơn, là “rất hạp” với tính cách âm nhạc của Hồng Nhung, từ khi mới hát nhạc Trịnh: Bống Bồng ơi, Đường xa vạn dặm, Còn ai có ai, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Em hãy ngủ đi… Và cả về sau nữa, như Tiến thoái lưỡng nan, Để gió cuốn đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Đóa hoa vô thường, Ru tình… người nghe nhạc Trịnh có thể thấm thía cảm nhận: chính cuộc hạnh ngộ âm nhạc với Hồng Nhung, từ thập niên 90 thế kỷ trước, đã đưa đến nguồn cảm hứng mới trào dâng trong sóng nhạc Trịnh Công Sơn. Không vỗ về những buồn đau quá khứ, mà rộn ràng niềm an nhiên với hiện tại. Không chỉ ngoảnh mặt đau đáu vào nội tâm, mà đã hướng ra ngoài cây đời tươi xanh. 

Đặc biệt, Hồng Nhung đã đem cho Sơn một trực giác tươi lành về hy vọng, khi Hồng Nhung hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Ấy là khi Sơn cảm được đủ đầy cái tinh thần của hy vọng và vỡ ra rằng: tuyệt vọng chính là tên gọi khác của hy vọng. Bống bé bỏng đã làm được điều đó cho Trịnh Công Sơn, và hình như tuyệt vọng của hố thẳm, lần đầu đã được chuyển hóa hồn nhiên thành hy vọng sáng tươi.

Và vì thế, đã thành duyên nợ. Trước khi đột ngột về Trời, ngày 1.4.2001, Trịnh Công Sơn đã kịp làm cử chỉ âm nhạc ấm áp cuối cùng cho Hồng Nhung hát nhạc Trịnh. Sơn đích thân biên tập, dàn dựng âm nhạc, chọn bài, chọn người hòa âm, chọn ban nhạc đệm, hát nền cho Hồng Nhung, chọn ảnh bìa CD Thuở Bống là Người. Nhất thiết phải là bạn bè: Trần Mạnh Tuấn, Bảo Phúc. Ảnh, phải là Dương Minh Long.

Hồng Nhung trong đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn”, diễn ra tại ngôi nhà Trịnh Công Sơn từng sống trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM, tháng 4.2021). Ảnh: Duyên Phan


Sau nhiều lận đận, cuối tháng 2.2003, sau hai năm Sơn mất, CD Thuở Bống là Người mới ra mắt. Bìa CD ghi trang trọng: Biên tập: Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung. Và ba tấm ảnh tuyệt đẹp của Dương Minh Long chụp Sơn và Bống tuổi 22: Sơn cười hiền hậu và Bống cười hồn nhiên. Dưới mỗi ảnh, Bống ghi chú: Người nghệ sĩ lớn mà tôi gặp năm 22 tuổi là người đàn ông nhỏ bé, rất hóm hỉnh và cười rất tươi. Ở tấm ảnh khác, trên vai Bống đặt mấy ngón tay Sơn mảnh khảnh, Bống ghi: Có sự bình yên dịu dàng từ cuộc gặp gỡ như cho tôi một đời sống mới, như câu chuyện cổ tích “Bống Bồng ơi”. Và ảnh cuối, là lời Bống tri ân: Anh sáng tác và tôi hát, với cảm hứng hồn nhiên. Với mỗi bài hát ấy, anh và tôi có mong muốn gì hơn, là có thể mang lại chút niềm vui cho mọi người.

Thuở Bống là Người thắm đượm niềm vui sống an nhiên, và nỗi buồn trong vắt. Ca khúc Trịnh Công Sơn, với ca từ đẹp và chín mọng trong giai điệu chất chứa tầng nghĩa đậm nhạt, gần xa, lớp lang chồng chất đan cài như… thơ siêu thực, đã được Hồng Nhung hát nhẹ êm cứ như không: Ru em, Xa dấu mặt trời, Cỏ xót xa đưa, Bên đời hiu quạnh, Cũng sẽ chìm trôi… Hồng Nhung, bằng cách nào đó, đã làm đầy được những khoảng trống vô ngôn, theo phong cách ca từ hàm ngôn đến… vô ngôn của Trịnh Công Sơn. Như đoạn ca từ của Cỏ xót xa đưaNhững ngày ngồi rủ tóc âm u/ Nghe tiền thân về chào bóng lạ/ Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu. Kiểu ca từ đặc hiệu Trịnh Công Sơn này đòi người hát một nội lực thâm hậu, để hát vừa nhẹ như bấc, lại vừa chìm sâu đến đáy ca từ nặng như chì. 

Năm 2021, đã tròn 20 năm Trịnh Công Sơn về cõi. Thân xác nhạc sĩ tài hoa đã khuất lấp tận cuối trời. Tiếng hát của Hồng Nhung và không chỉ thế hệ ca sĩ Hồng Nhung, đã hiện diện chói sáng sự ở lại còn xanh mãi của âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa cõi đời này. Cùng cách nghĩ về cái sống cũng thật đôn hậu, thông thoáng và nhẹ nhõm đến vô thường của nhạc Trịnh: Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi

Chính vì thế, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã ở lại mãi. Trong cõi. Cùng chúng ta.

Và, gió đã chẳng thể cuốn đi…

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái  – Ảnh: Dương Minh Long

(Nguồn: Tạp chí Người đô thị)

Hồng Nhung – Người đàn bà thép trên ghế nóng The Voice

Hồng Nhung trở thành vị HLV đầu tiên trong lịch sử The Voice thế giới sử dụng tối đa “quyền lực” của mình trong đêm Bán kết cuối cùng của Giọng hát Việt 2013 để lựa chọn Cát Tường – thí sinh đại diện cho phong cách âm nhạc Team Hồng Nhung vào thẳng đêm chung kết. Sự mạnh mẽ và quyết đoán của nữ diva khiến nhiều khán giả bất ngờ, The Voice đang nguội bỗng cháy bùng thành lò lửa mà có người ví chị là “Người đàn bà thép”, nếu tinh ý không ít người nhận ra đâu chỉ “chất thép” mà quyết định của chị vẫn chứa đựng “chất tình” sâu sắc.

Khi chương trình The Voice khởi động, không ít khán giả mặc định Hồng Nhung sẽ rất an toàn, khôn khéo trong lời nói và quyết định để tránh rắc rối. Trải dài theo lộ trình của Giọng hát Việt 2013, người ta thấy Bống đâu chỉ có thời trang biến hóa ấn tượng, đằng sau những lời khen “có cánh” và những góp ý ít nhưng “đúng trọng tâm” thì Hồng Nhung còn có phương pháp huấn luyện hiện đại nhất, chị luôn khuyến khích học trò hát và tư duy sáng tạo theo bản sắc riêng của mình. Màu sắc đa dạng, đơn giản, trong sáng, giàu cảm xúc của Team Hồng Nhung đã để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều tiết mục biểu diễn.

Hồng Nhung luôn là vị HLV tỉnh táo và công tâm, chị là HLV duy nhất loại cả 16 thí sinh chính thức của đội hình Team Hồng Nhung để giữ lại “át chủ bài” là Hà Linh và Cát Tường vốn được cứu từ đội HLV Đàm Vĩnh Hưng.

Trong đêm Bán kết 2, khi đã có kết quả % bình chọn của khán giả dành cho các thí sinh, các HLV mới đưa ra điểm số của mình, Hồng Nhung hoàn toàn có thể lựa chọn cho Hà Linh 30% và Cát Tường 70% số điểm thì Cát Tường vẫn đủ số điểm vào chung kết nhưng chắc gì sẽ không có ý kiến so sánh về phần trình diễn của 2 thí sinh và chênh lệch số điểm. Hồng Nhung hoàn toàn có thể làm hài lòng mọi người như Quốc Trung chia điểm theo tỉ lệ 70 – 30 nhưng chị đã không đặt thí sinh lên bàn cân, quyết định dành toàn bộ 100% số điểm cho Cát Tường vì đơn giản thí sinh này hợp với tiêu chí của chương trình và Team Hồng Nhung. Chất tình “sâu sắc” trong sự lựa chọn này mấy người hiểu, Hồng Nhung chịu “ném đá” nhưng đã tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực cho tên tuổi Hà Linh, mọi người càng quan tâm đặc biệt hơn đến giọng hát và tài năng ca hát của Linh. Tình thầy-trò, đồng nghiệp thân thiết giữa HLV và các thí sinh trong Team Hồng Nhung luôn là điều đáng quý nhất hơn cả những điểm số, Hồng Nhung cùng hai cô học trò Hà Linh-Cát Tường đã có những live show Team Hồng Nhung ở phòng trà Đồng Dao hay những live show quy mô hơn ở Hà Nội, riêng phần trình diễn liên khúc Nhớ mùa thu Hà Nội-Em còn nhớ hay em đã quên của 3 cô trò cũng đã để lại dấu ấn và cảm xúc sâu đậm trong đêm bán kết 2. 

Sau đây là bài trả lời phỏng vấn của Hồng Nhung sau Bán kết 2:

PV:  Đối với chị, quyết định ”loại thẳng tay” Hà Linh là luôn luôn đúng và không có gì phải hối tiếc?

HN: Không, tôi không có ý định loại thẳng tay ai cả, đó không phải ý của tôi. Trong hai em Hà Linh và Cát Tường, chỉ có một em được quyền đi tiếp. Vậy dựa theo những tiêu chí của cuộc thi và phong cách của đội Hồng Nhung là đi tìm những nhân tố mới, gương mặt mới, có ưu thế mới, dễ tạo sức ảnh hưởng tới khán giả và âm nhạc Việt Nam, thì tôi chọn Vũ Cát Tường.

Tôi lựa chọn Cát Tường dựa trên tiêu chí của cuộc thi. Em đã đi từ con số 0, chưa có gì để có được thành quả như ngày hôm nay. Vì Cát Tường là gương mặt đúng với tiêu chí cuộc thi đang tìm nên tôi dành toàn bộ sự ủng hộ chỉ cho một người. 

PV:  Nhưng với quyết định dành hẳn 100% cơ hội cho Vũ Cát Tường đã khiến nhiều người cho rằng chị đang cố tình xem thường khán giả. Chị nghĩ sao?

HN: Tôi không có ý xem thường khán giả. Tôi chỉ đưa ra quyền của chính các huấn luyện viên, chỉ là làm đúng việc của mình thôi. Hơn nữa trong 6 tháng đồng hành cũng các thí sinh, tôi hiểu về khả năng và tính chất âm nhạc của từng em, nên tôi biết ai đi tiếp sẽ mang tới những tác phẩm mới, màn trình diễn thú vị.

PV:  Liệu rằng giữa chị và Hà Linh có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trước đêm thi này diễn ra?

HN: Không hề có chuyện bất hòa gì xảy ra. Tôi rất yêu Hà Linh. Nếu cho em ấy 10 hay 20% cũng được, nhưng cho như vậy để làm gì khi em cũng dừng lại thôi. Tôi thấy nếu có cho 20% cơ hội thì cũng không để làm gì.

PV: Thế chị giải thích sao với lời chia sẻ rất ẩn ý rằng: “Tìm một nhân cách nghệ sỹ chứ không chỉ đơn thuần là tìm giọng hát hay”?

HN: Không, ý tôi là tìm một nhân tố mới chứ không đơn thuần là một giọng hát hay.

PV: Chị có biết là hiện tại mình đang bị dư luận chỉ trích dữ dội với quyết định gây sốc này không?

HN: Tôi nghĩ là mình đã làm đúng trách nhiệm và quyền hạn của một Huấn luyện viên. Tôi không đi quá giới hạn.

PV:  Hà Linh sẽ nhận được những chia sẻ và lời an ủi nào từ phía chị?

HN: Tôi thân với Hà Linh lắm. Trong cuộc thi này, tôi đã bắt đầu đón nhận sự đau đớn khi phải loại bất kỳ một thí sinh nào đó từ những vòng đầu. Vì trong hai em, tôi chỉ có thể chọn một. Tôi cũng có thể cho Hà Linh 25% nhưng để làm gì. Ý tôi đang nói ở đây là nhấn mạnh tới tiêu chí cuộc thi và phong cách đội Hồng Nhung.

Hà Linh tài giỏi và hát rất hay. Khi về đội, tôi đã làm nhạc rất kỹ cho em ấy. Hà Linh vốn là ca sĩ chuyên nghiệp, từng đoạt giải cao trong các cuộc thi khác, nên không thể nói là thua Vũ Cát Tường được.

PV: Vậy ca khúc “Cô đơn” do Hà Linh hát trong đêm thi tối qua là do ai chọn?

HN: Việc chọn bài này là do ý kiến riêng của Hà Linh. Em có cá tính rất mạnh. Người nghệ sĩ có cá tính mạnh là rất tốt. Tôi ủng hộ.

Xin cảm ơn Hồng Nhung và chúc chị thành công!

Hà Nhuận Nam

Sau đêm chung kết “Giọng hát Việt”, Hồng Nhung – Hà Anh Tuấn – Uyên Linh sẽ kết hợp trong 2 đêm live show chủ đề “Ru mùa đông” diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 21-22/12/2013, chương trình do nhạc sĩ Quốc Trung làm đạo diễn âm nhạc.

                                                          M.H

Hồng Nhung hát electronic như hơi thở cuộc sống

Quốc Trung và êkip đã tạo nên một “hồ bơi âm nhạc điện tử” khoáng đạt để Bống thỏa sức vùng vẫy, Hồng Nhung biến hóa đầy lạ lẫm, trẻ trung với electronic trên sân khấu bài hát Việt, chị hát electronic như hơi thở cuộc sống hiện đại của chính mình.

Sức nóng của một dự án âm nhạc được chờ đợi nhất trong năm của nhạc Việt được bung tỏa trên sân khấu Bài hát Việt tháng 11, với sự độc diễn 4 ca khúc trong phần “Dự án âm nhạc”, Hồng Nhung đã làm say mê và thỏa lòng sự chờ đợi của người hâm mộ suốt 3 năm qua, sự chia sẻ của nhạc sỹ Quốc Trung  là cầu nối giúp khán giả hiểu thêm về thể loại nhạc điện tử và style  âm nhạc anh xây dựng cho Hồng Nhung trong dự án này.

Hồng Nhung xuất hiện với hình ảnh váy bồng rất cổ điển kết hợp với mái tóc dài được tết rất kỳ công, trông Bống vừa lạ – vừa quen, thanh âm của “Papa” vang lên đầy xúc cảm:

“…Oh, Papa có những lúc con chợt thấy người, ngồi một mình như đã ngậm ngùi, tìm lại mẹ xuôi dòng tiếc nuối.

 Oh, Papa tháng năm qua cha đã già, nghiêng nghiêng một bóng cả, con chẳng làm được gì cho cha, papa”.

Chất nhạc điện tử được pha trộn pop rất tài tình và khéo léo trong ca khúc Papa, nhạc sỹ Dương Khắc Linh đã tạo nên những cung bậc âm thanh nhiều màu sắc, lúc nhẹ nhàng, êm ái, lúc lại cao trào mãnh liệt, Papa như những thước phim sống động bằng âm nhạc với câu chuyện ấm áp về tình cảm thiêng liêng của người con dành cho cha. Hồng Nhung ghi dấu ấn đậm trong lòng công chúng với Papa, chị hát như “nhập đồng” trên Bài hát Việt. Thời gian qua, MV Papa phát sóng trên Yan TV được khán giả yêu nhạc dành nhiều lời ngợi khen và đón nhận nồng nhiệt.

Mạch cảm xúc được tiếp nối với “Nghịch nắng” của Lưu Hà An – Đây là một ca khúc rất hay với tiết tấu nhanh và khá lạ, thanh âm nhạc điện tử cùng giọng hát Hồng Nhung hòa thành một, sự tinh nghịch của cậu bé “trốn giấc trưa hè” ra sân nghịch nắng cùng lũ bạn được tái hiện rất hồn nhiên, tinh tế. Có khán giả lớn tuổi khi lần đầu tiên nghe Hồng Nhung hát “Nghịch nắng” đã tâm sự: “Cảm ơn Bống đã đem lại cho anh một trời tuổi thơ hồn nhiên mà anh từng bỏ quên…”. Lời ca khúc đẹp như thơ, giọng Hồng Nhung nhảy nhót, sôi động và vui tươi đưa khán giả ngập tràn trong không gian âm nhạc electronic đầy cảm xúc và tươi mới.

Sân khấu bùng nổ khi Hồng Nhung xuất hiện đầy trẻ trung, mới lạ cùng nhóm X5 trong ca khúc “Sài gòn” đậm chất điện tử của Huy Tuấn. Tiết tấu nhanh, mạnh. gấp gáp, sôi động của electronic được khai thác triệt để với phần vũ đạo rất nhịp nhàng. Sài Gòn trong mắt của cô gái Hà Nội  20 tuổi vào Sài Gòn lập nghiệp thật phóng khoáng, tràn đầy sức sống, cách xử lý ca khúc của Hồng Nhung cũng có nhiều sự độc đáo, biến hóa để tạo điểm nhấn cho bài hát. Nghe “Sài gòn” người ta bị cuốn vào dòng chảy sôi động của nhịp sống hối hả:

“Rộn ràng phố, xe cộ đan nhau trên đường. Cho tôi qua chợ Bến Thành, bừng dậy một ngày sống. Cho tôi qua sông Sài Gòn, nắng lấp lánh mặt nước…”. 

Tiết tấu khá nhanh, dường như giọng hát Hồng Nhung trở thành thanh âm chủ đạo trong một tổng thể hòa thanh rất đặc sắc và lời bài hát nghe lần đầu tiên chưa được rõ lời nhưng khán giả rất thích thú.

Phần độc diễn đạt đến đỉnh điểm với ca khúc chủ đề dự án “Vòng Tròn”, tạo hình, ánh sáng sân khấu được chuẩn bị công phu đến từng chi tiết, Hồng Nhung lột xác hoàn toàn mang, vũ đạo của chị kết hợp cùng vũ đoàn Arabesque  rất chuyên nghiệp, nghệ thuật sắp đặt mang tính nghệ thuật rất cao. Hồng Nhung quyến rũ, trẻ trung và đầy ma mị trong không gian âm nhạc hiện đại của electronic. “Vòng Tròn” là vòng xoay bất tận của cuộc sống, ca khúc hướng tới những thông điệp đầy tính nhân văn khi vẽ lên một bức tranh hiện thực đời sống đầy tương phản với những khoảng màu sáng – tối đan xen: sinh – tử, giàu – nghèo, cái thiện – cái ác…Ca khúc gói trọn chủ đề tư tưởng của dự án – một dòng điện tử rất hiện đại, mới mẻ nhưng có chiều sâu, rất phù hợp với cá tính âm nhạc của Hồng Nhung.

Phong cách âm nhạc Eletronic – Pop mà Quốc Trung lựa chọn cho Hồng Nhung là tính toán chiến lược, Vòng Tròn  được thực hiện với kịch bản văn học và âm nhạc  rất chặt chẽ  theo dạng album ý tưởng, dự án này tạo ra một xu hướng mới  cho dòng chảy của nhạc điện điện tử ở thị trường Việt Nam. Phong cách nhạc dance phát triển rầm rộ suốt 5 năm qua trong showbiz Việt nhưng thiếu tính định hướng, các ca sỹ ở mọi phân khúc thị trường đều ồ ạt hát dance, Vòng Tròn góp phần gợi mở hướng đi mới cho nhạc điện tử nói riêng và cung cách thực hiện một dự án âm nhạc bài bản và chuyên nghiệp nói chung ở Việt Nam.

 Sự biến hóa đa dạng của Hồng Nhung trong 4 ca khúc Papa, Nghịch nắng, Sài gòn, Vòng Tròn, cho thấy sự đa sắc màu của Vòng Tròn, nhạc sỹ Quốc Trung và êkip đã thành công khi xây dựng một hình ảnh Hồng Nhung mới lạ nhưng vẫn gìn giữ được sự tinh tế, quyến rũ mang bản sắc riêng. Vòng Tròn thực sự là một dự án âm nhạc đẳng cấp, đây là bước tiến trong việc làm mới con đường sự nghiệp ca hát đã gần 3 thập niên của Hồng Nhung, phong thái hiện đại, trẻ trung, tràn đầy năng lượng của Hồng Nhung trong đời thường được thể hiện rõ nét trong dự án Vòng Tròn. CD Vòng Tròn sẽ có mặt trên kệ đĩa toàn quốc vào ngày 22.11.2011.

Mạnh Hải


Hồng Nhung – Electronic vẫn là Bống


Không mơ mộng được nhận hơn những gì mình có

-Tôi đã từng rất hào hứng ngồi xem chị trò chuyện với MC Nguyễn Mỹ Linh về Album mới trong Văn hoá – Sự kiện – Nhân vật hơn 1 năm trước. Có trục trặc gì hay thay đổi nào khiến CD mới lâu phát hành như vậy?

Vâng, tôi còn nhớ buổi ghi hình ấy, tôi cũng hào hứng lắm! Tôi tự cho mình quá may mắn khi luôn được kết hợp với các nhạc sĩ hàng đầu Việt nam, và vì thế mà có thể cho ra được sản phẩm âm nhạc hay, nhiều bài hát ấn tượng ở lại trong lòng khán giả bền bỉ qua nhiều giai đoạn biến đổi của làng nhạc Việt. 

Nhưng, trong giới chúng tôi cũng từng có câu: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như nhạc!”. Các nhạc sĩ của tôi thường rất nghệ sĩ và “la đà”…, nên khi “dấn thân” vào một dự án mới, điều tôi phải tâm niệm trước nhất là phải kiên nhẫn! Tinh thần yoga giúp tôi “sống còn” với quá trình làm việc và chờ đợi, đòi hỏi một tinh thần dẻo dai và lạc quan trước mọi sự việc. Tôi có hành trang tới 3 CD đã phát hành, 1 CD mới sẽ ra mắt nay mai với Quốc Trung; 2 CD đã phát hành, 1 CD sẽ ra năm sau với Hoài Sa – khiến đồng nghiệp ca sĩ và cả nhạc sĩ nữa, phục sát đất! 

-Những đổi mới, hiện đại, trẻ trung liên tục của chị hiện nay có phải để dần “educate” khán giả về hình ảnh mới trong album, tránh họ bị “sốc” nếu đã quen với một hình ảnh Bống xưa cũ?

Ồ, chỉ mới qua một vài hình ảnh từ video clip mới của tôi thôi, fan của tôi đã “sốc” rồi! Đầu tháng 9 này khi được phát sóng trên MTV VN, chắc sẽ có phản ứng của dư luận hai chiều. Âu cũng là bản chất của nghệ thuật, dù là âm nhạc hay thời trang!

-Thời gian không có tuổi trong âm nhạc, nhưng nghĩ về chị, người ta sẽ nhắc nhớ đến 2 Hồng Nhung trong một con người, một phiên bản của Trịnh thống nhất và trọn vẹn, một của riêng chị với những đa diện màu sắc âm nhạc khác. Điều đó có đúng không?

Vâng, đúng. Thời gian không có tuổi và sự sáng tạo trong nghệ thuật không có biên giới! Nhạc Trịnh ở trong tôi như là một phần không thể thiếu được của đời sống, giản dị như hơi thở, làm nền tảng văn hóa và tâm hồn, trong khi cho phép tôi tìm tòi và sáng tạo ở nhiều phong cách khác nhau. Pop ballard với “Như cánh vạc bay”; “Vì ta cần nhau”; new age với “Có đâu bao giờ”; world music với “Khu vườn yên tĩnh” và bây giờ là điện tử với “Vòng tròn”.

Khác rất nhiều trong suy nghĩ của nhiều người

Từ thời điểm bước chân lên sân khấu, ở thời điểm này, lặng lại để nhìn về hành trình đã trải qua, chị sẽ nhớ nhất điều gì?. Chị là một trong số ít ca sĩ tiếp xúc nhiều với NS Trịnh Công Sơn, điều gì tinh tuý nhất từ người nhạc sĩ này chị lưu giữ trong âm nhạc của mình?

Tôi nhớ tuổi thơ tôi, khi cánh cửa âm nhạc mở ra trước mắt thế giới diệu kỳ, cho tôi niềm vui, và đến giờ mới nhận ra, cho tôi cả những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho một sự nghiệp âm nhạc dài lâu.

Khi tôi gặp anh Sơn, tôi vẫn còn giữ nguyên một tinh thần thiếu nhi thuở ấy. Anh giúp tôi trưởng thành trong âm nhạc, và hơn thế, cho tôi cảm giác yên tâm của người không một mình. Gia tài anh để lại cho tôi nhiều lắm, trong đó, điều sống với tôi hàng ngày là cách nghĩ lạc quan, sự dễ dàng hơn với đời, để dễ yêu thương, mang nhiều niềm vui hơn cho chính mình và cho mọi người.

 


Soi chiếu đam mê, giải thưởng, sự yêu mến của công chúng, chị có thể tự hào về chân giá trị của một người nghệ sĩ thành công. Vậy chị đã bao giờ cố gắng, hoặc nghĩ đến một sự nhìn nhận công lao của bản thân, như một danh hiệu thực sự – NSƯT chẳng hạn?

Không, tôi không mơ mộng được nhận hơn những gì mình có. Danh hiệu thực thụ khiến tôi tự hào chỉ là “ca sĩ Hồng Nhung” của khán giả cả nước!

Cái mạnh không phải ở chỗ hùng hổ, ngang tàng …

Mỗi lần có một chương trình về nhạc Trịnh, về Hà Nội, khán giả lại mong chờ giọng hát của chị vang lên của Nhà hát Lớn. Vậy còn chị, sau nhiều năm rời xa, những chiếc bánh trưng, cành hoa đào, tiếng chuông chùa, hay thói quen đi lễ phật của người Hà Nội giờ trong chị như thế nào?

Hà Nội ở trong cách đi cách đứng, cách nói cách cười của tôi… sẽ không bao giờ thay đổi. Còn khi kỷ niệm tràn về, thường là những ký ức vô cùng giản dị, …như là một buổi trưa hè, lũ trẻ chúng tôi trốn cha mẹ ra ngoài sân nghịch nắng… Cảm giác chạm vào hạnh phúc thật giản đơn, trong sáng, ở lại với tôi suốt đời. Lần này ra hát cho khán giả Hà Nội, tôi sẽ hát bài hát mới kể về Hà Nội của tuổi thơ tôi, tên là “Nghịch Nắng”!

– Bấy nhiêu năm sống ở Sài Gòn, mảnh đất này có mang đến sóng gió nào lớn trong cuộc đời của chị? Chị nghiệm ra điều gì sau đó?

Tôi trưởng thành ở Sài gòn. Có biết bao khó khăn tôi từng trải. Nhưng, như mẹ Mai tôi nhận định, tôi hay được “quí nhân phù trợ”. Vào những lúc khó khăn nhất, tôi lại gặp được những người đàn anh đàn chị trong nghề khuyến khích và giúp đỡ. Sống, làm việc và cho ra được thành quả trong đời không bao giờ dễ dàng và nhàn hạ. Tôi không muốn bỏ phí thời gian và thấu hiểu “một cây làm chẳng lên non”. Chính những người bạn tôi được gặp suốt chặng đường gần 20 năm qua đã khiến Sài gòn trở thành quê hương thứ hai của tôi. 

Tâm hồn luôn thảnh thơi

-Sống trong showbiz với nhiều câu chuyện dệt nên từ dư luận, nhưng chẳng bao giờ Hồng Nhung vướng vào những điều đó. Chị có bí quyết nào để tránh?

Tôi có lối sống điều độ, tập trung vào âm nhạc và hưởng cuộc sống gia đình, nên không có nhiều va chạm xã hội lắm. Khi có nguy cơ của một chuyện có thể xảy ra xô xát chẳng hạn, thì tôi… nhường luôn. Về khía cạnh này, tôi suy nghĩ kiểu người Nhật. Cái mạnh không phải ở chỗ hùng hổ, ngang tàng…, mà ở chính sự khiêm tốn, nhún nhường! Có thể vì lý do đó, cộng với sự may mắn, và bản chất không thích scandal mà tôi chưa phải vướng vào những chuyện bất đắc dĩ ấy.

-Chị cũng là một người sành thời trang, nhiều nghệ sĩ nữ quốc tế tầm tuổi chị có xu hướng ra mắt những sản phẩm dành cho phụ nữ của riêng họ. Chị trẻ đẹp, là hình mẫu của nhiều người, chị có dự định ấy không ?

Xin cám ơn! Tôi thích thời trang. Với tôi, kiến thức và cảm nhận về thời trang khiến đời sống thêm hứng thú. Tập thể dục hàng ngày vừa duy trì sức khỏe, mà vừa giữ “form” để có thể “hưởng” mốt “bất khả tận”… 

Gần đây, chị Valerie (bạn thân tôi là nhà thiết kế thời trang người Pháp) có ngỏ ý rủ tôi sáng tạo dòng thời trang “Hồng Nhung cho Sống” (thương hiệu Sống là của chị) với phong cách nhiệt đới, hiện đại và nữ tính, chủ yếu sử dụng chất vải tự nhiên chất lượng cao. Tuy vậy, mới chỉ là ý đinh mà thôi.

Đúng là tôi “cười tít mắt cầm đũa tung tẩy”…

-Đồ chị mặc là hàng hiệu, nhà chị ở rất đẹp và sang, chồng là người ngoại quốc, giọng hát có vị trí trong nghề – một cuộc sống hoàn hảo! Mà người hoàn hảo thì thường rất cầu toàn, luôn đòi hỏi đạt đến tiêu chí cao cho từng chi tiết. Chị có ở trong số đó không?

Cha và chồng tôi hay lấy tôi ra trêu (chọc) vì cái tính cầu toàn quá thể! Vâng, theo như họ thì tôi bị liệt vào danh sách này rồi. Còn chuyện hoàn hảo, tôi đã phải chịu thua, vì là điều không tưởng trong thực tế.

-Tôi đang tưởng tượng hình ảnh Bống “nhảy lên bờ” cười tít mắt cầm đũa tung tẩy trong bếp. Nấu nướng có phải sở thích của Hồng Nhung?

Trước đây tôi vụng lắm. Nhưng giờ nấu nướng trong bếp nhà mình là thời gian thư giãn, hưởng thụ tại gia, được chú trọng hàng đầu. Tôi mặc đẹp và gọn, với bộ sưu tập tạp dề các kiểu, mở nhạc, đốt nến, cắm hoa trong bếp mỗi khi thực thi một thực đơn mới. Bàn ăn được tôi sắp xếp cầu kỳ, ánh sáng vừa đủ để tôn lên vẻ mộng mị, thơm tho của đồ ăn… Vâng, đúng là tôi “cười tít mắt cầm đũa tung tẩy”…

-Có những “quy định” riêng nào của cô Bống mà chồng bắt buộc phải tuân thủ?

Thể thao mỗi ngày vì sức khỏe gia đình. Bày biện gì trong nhà, xong việc phải dọn ngay. Không cho mèo ngủ trên giường (về khoản này, chưa được tuân thủ).

-Nghệ sĩ đôi khi hơi phù phiếm, cuộc sống gia đình của Bống có màu “nghệ sĩ” không?

Cái gì thuộc về đời sống của Bống đều có màu nghệ sĩ hết. Phù phiếm hay không thì không biết, nhưng diệu vợi thì có. Chắc cũng từ bản tính rất nữ tính, đôi khi hơi điệu của tôi.

-Bống đã có tất cả những gì khi “nhảy lên bờ” chưa? hay còn đợi điều gì nữa?

Đã có nhiều lắm rồi! Nhưng không phải vì thế mà không còn gì để mong đợi, ước mơ! Chỉ xin giữ bí mật cho thiêng!

Huy Minh (Vietnamnet)

(Dân Việt) – Sau 4 tháng vắng bóng trên các sân khấu ca nhạc, cô “Bống” Hồng Nhung sẽ trở lại với hàng loạt dự án âm nhạc lớn mở đầu bằng hai đêm “Ngẫu nhiên” tại Hà Nội vào 23 và 24.8.

Từ tháng Năm tới giờ, chị hoàn toàn không xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc lớn và chỉ nhận lời làm giám khảo cho cuộc thi “Sáng bừng sức sống”, những người hâm mộ giọng hát của chị đang đón chờ một sự kiện gì đó thật mới, chị có thể tiết lộ?

– Đúng là dạo này Hồng Nhung có nhiều kế hoạch mới nên chỉ có thể tham gia làm giám khảo cho “Sáng bừng sức sống”. Đêm nhạc “Ngẫu nhiên” với Quang Dũng vào tối 23.8 tới đây là sự trở lại sau 4 tháng dành thời gian cho một dự án âm nhạc điện tử mà tôi đã chuẩn bị suốt 3 năm qua.

Trong khi Mỹ Linh chọn nhạc acourstic thì chị lại chọn âm nhạc điện tử, chị cảm thấy hứng thú điều gì ở thể loại âm nhạc này?

Trong đêm nhạc tại Hà Nội này, tôi cũng sẽ giới thiệu một vài ca khúc trong album “Vòng tròn” sắp phát hành trong tháng Chín để khán giả nghe thử. Sau hai đêm diễn ở Hà Nội, tôi sẽ trình diễn tại Hải Phòng, sau đó đến đầu tháng Chín lại quay về Hà Nội trong liveshow của nhạc sĩ Phú Quang. Tôi đang háo hức để gặp lại khán giả phía Bắc- những người mà tôi vô cùng yêu quý.

– Tôi muốn làm một điều gì đó khác biệt. Có thể nhiều người nghĩ tôi ra album nhạc điện tử vì muốn hướng đến khán giả trẻ nhưng thực ra không phải vậy, tôi muốn các đối tượng khán giả khác, những người trung tuổi cũng có thể chấp nhận được những ca khúc trong album này.

Nhạc electronic (điện tử) trong “Vòng tròn” mà tôi cộng tác với nhạc sĩ Quốc Trung sẽ trẻ trung, sôi động nhưng lại chất chứa sự sâu sắc, đằm sâu của những trải nghiệm. Trong album này có ca khúc “Papa” tôi viết riêng tặng cha tôi, khi biểu diễn một vài lần đã nhận được sự đồng cảm của khán giả, tôi tin album này cũng sẽ khiến người nghe rung động.

Từ sau show “Vì ta cần nhau” cực kỳ thành công tại TP.HCM cách đây 3 năm, đây là lần tiếp theo chị lại hát song ca với ca sĩ Quang Dũng, đêm “Ngẫu nhiên” có điều gì đặc biệt?

– Tôi và ca sĩ Quang Dũng hát những tình khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Thanh Tùng, Nguyễn Cường, Diệu Hương… như “Giọt sương trên mí mắt”, “Bống”, “Lời thú tội”, “Anh còn nợ em”, “Vì đó là em”, “Xin còn gọi tên nhau”…

Việc tôi hát chung với ca sĩ Quang Dũng cách đây 3 năm trong một số liveshow “Vì ta cần nhau”, “Có đâu bao giờ” đã được khán giả đón nhận có lẽ vì chúng tôi có nhiều điểm gặp nhau về cảm xúc. Lần này lại hát ở Hà Nội, cả hai chúng tôi đều cảm thấy rất hào hứng vì được gặp lại khán giả yêu mến mình.

Một điều không thể phủ nhận là Hồng Nhung mỗi ngày một trẻ hơn, đẹp hơn, mới mẻ hơn, hình như chị có một “phép lạ” nào đó để không phải tuân theo quy luật của thời gian?

– Nhiều người cũng nhận xét tôi mỗi ngày lại trẻ trung hơn, vui tươi hơn và tôi rất hạnh phúc vì điều đó. Bạn có nhận thấy không, nếu con người sống vui vẻ, hạnh phúc, tìm thấy niềm đam mê trong công việc thì trông họ sẽ khác nhiều đấy.

Cùng với dự án “Vòng tròn” ca sĩ Hồng Nhung cũng sắp giới thiệu tới khán giả một music video mang tên “Hold On” (Hãy giữ lấy) hát song ca cùng Thanh Bùi, đó cũng là ca khúc chị viết chung với ca sĩ trẻ này. Đạo diễn Charlie Nguyễn là đạo diễn hình ảnh cho music video “Hold On”.

Nhưng dù có thế nào tôi vẫn là cô Bống thôi, trong âm nhạc, dù hình thức thể hiện thay đổi thế nào thì tôi vẫn hát như cô Bống nhỏ đến với âm nhạc cách đây nhiều năm. Tôi phải cảm ơn những người thân xung quanh mình vì chính họ tiếp thêm cho tôi sức mạnh, cho tôi sự hưng phấn để làm việc liên tục, cống hiến liên tục.

Lần đầu tiên chị làm giám khảo cho một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình là “Sáng bừng sức sống”, nhiều người nói rằng chị khen các thí sinh nhiều quá?

– Thật ra có ở trong nghề mới hiểu là những lời động viên có ý nghĩa thế nào với các em trẻ. Họ chưa phải là nghệ sĩ thực thụ mà chỉ là những người nghiệp dư đang hoàn thiện mình, tìm ra được những ưu điểm, những thế mạnh để họ biết cách khai thác và phát huy cũng là giúp họ rất nhiều. Tôi không quá khắt khe với các em mà chủ yếu là chia sẻ, động viên để các em tiến bộ hơn lên.

Xin cảm ơn chị!

Hồng Nhung – Dí dỏm và trẻ trung trên Rubic online


Khi cô Bống bước chân vào trường quay Rubic online với trang phục cực kỳ khác lạ, MC Thảo Vân đã thốt lên: “Tý nữa tôi không nhận ra Nhung vì sự thay đổi cực kỳ khác lạ của bạn. Phải nói rất là bụi, rất mạnh mẽ, trẻ trung”. Tiếng cười giòn tan, giọng nói và tính cách đậm chất của cô gái Hà Thành. Một hình ảnh Hồng Nhung đời thường với bao mối quan tâm.


Cuộc trò chuyện kéo dài gần một tiếng được chia làm 2 phần và phát sóng trên VTV3. Những câu chuyện cũ – mới được đan xen khiến khán giả yêu mến ca sỹ Hồng Nhung vô cùng thú vị bởi lối trò chuyện tự nhiên, dí dỏm, hồn nhiên của Bống. Bài viết này dành cho những người chưa có điều kiện theo dõi chương trình, sẽ là những lát cắt ngang, dọc, không theo trình tự biên tập của Rubic online phát sóng trên VTV3.

1. Mới chuyển vào Sài Gòn chị Bống rất cô đơn và hay khóc vì nhớ bạn bè, nhớ Hà Nội.


Năm nay là tròn 20 năm Bống sống ở Sài Gòn, mảnh đất Sài Thành đã trở thành nhà, thành quê hương thứ hai. Khi mới chuyển vào Sài Gòn cùng bố, 2 năm đầu Bống rất cô đơn vì ít bạn bè và nỗi nhớ Hà Nội luôn thường trực. Nhưng rồi nhanh chóng Bống có những người bạn thân như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Đoàn Minh Tuấn….Rồi Bống đi học đại học, đi hát …Sài Gòn từ xa lạ trở nên thân thương và gẫn gũi. Nhưng “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, vẫn còn đó nguyên vẹn hình ảnh một ca sỹ Hồng Nhung – “cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ”, giọng nói, tính cách  đặc trưng của người Hà Nội.


2. Hồng Nhung – Yoga cứu đời tôi, chuyện làm nhà và bà nội trợ


            Bống đùa vui: “Yoga cứu đời tôi” nhưng đúng là như thế. Yoga đã đem lại sức khỏe, sự trẻ trung, rạng ngời đầy nữ tính cho Bống. Sự kiên trì chơi thể thao đến mức khiến nhiều người kinh ngạc, không chỉ có Yoga mà còn có cả những bộ môn khác như tập tạ, bơi lội, đấm bốc, golf…Giờ Hồng Nhung đã trở thành hình ảnh thể thao trong giới nghệ sỹ.


            Ngôi nhà của Hồng Nhung khác biệt với tất cả các ngôi nhà khác. Nó mang đậm tính cách chủ nhân từ khâu thiết kế đến trang hoàng, cổ điển kết hợp hiện đại, phương Đông chủ đạo nhưng vẫn pha trộn nét chấm phá hiện đại của phương Tây. Hồng Nhung xây nhà cũng rất lâu. Ngôi nhà đang ở cũng vừa được xây xong khoảng gần 2 năm nay, nó như một quần thể kiến trúc nhỏ, rất đẹp và phong cách, từ vườn nhà đến phòng khách, khu bếp hay độc đáo hơn là cả có căn nhà gỗ Bắc Bộ lợp mái ngói.


Giờ đây, Hồng Nhung đã có gia đình riêng, cùng với chồng là anh Kevin – dù công việc của hai người rất bận, luôn phải đi xa nhưng khi có mặt ở nhà cùng nhau là chị tự tay vào bếp chuẩn bữa sáng và những món ăn ngon cho chồng với menu được thay đổi liên tục. Để giữ lửa cho mái ấm, Hồng Nhung luôn quan tâm đến “căn bếp” của mình như chị từng tâm sự: “Mình là phụ nữ, việc chăm sóc gia đình vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui sau những giờ làm việc mệt mỏi. Một Hồng Nhung duyên dáng, tươi tắn trên sàn diễn cũng là một Hồng Nhung dịu dàng, đằm thắm của gia đình đấy. Nếu tình cờ gặp trên phố một cô nội trợ vận áo hồng, tay xách nách mang lỉnh kỉnh vô số thứ, mồ hôi mướt mặt, bạn cứ nhìn kỹ xem biết đâu đó lại là tôi, một nghệ sĩ của gia đình chứ không phải của ánh đèn sân khấu…”.


3. Hồng Nhung – Không phải là tín đồ hàng hiệu, đặt tên cho trang phục



            Thời trang vốn là đam mê của Hồng Nhung, chị thích sự đa dạng của thời trang, luôn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất trên thế giới. Chị là nghệ sỹ đầu tiên ở Việt Nam được báo Mốt trao giải “Nghệ sỹ mốt nhất trong năm” (1999) sau đó là giải “Nghệ sỹ ăn mặc lịch sự nhất” (2007). Từ đó đến nay, Hồng Nhung luôn được đánh giá là một trong những nghệ sỹ ăn mặc đẹp, mốt và tinh tế nhất showbiz, đa dạng nhưng nhất quán về phong cách, thẩm mỹ. Tuy nhiên, phong cách mua sắm của Hồng Nhung rất cơ bản, hợp lý và tiết kiệm. Tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn trang phục của chị không phải là thương hiệu mà là sự “phù hợp” với chính mình, nó phải tôn được tính cách, vóc dáng người mặc và phù hợp nhiều hoàn cảnh. Vì thế ngay trong buổi thu hình cho Rubic online Hồng Nhung có nhận được một lá thư của một bạn hâm mộ góp ý là Hồng Nhung ít thay đổi trang phục, mặc đi mặc lại một bộ trang phục nhiều lần trong các chương trình lớn suốt nhiều năm.



Việc mặc đi, mặc lại những bộ trang phục của mình, Bống đã khiến khán giả hâm mộ nhớ và yêu thích luôn trang phục đấy. Chẳng hạn, nhắc đến “Ngày không mưa” khán giả sẽ nhớ ngay đến bộ trang phục của Valerie Mckenzie thiết kế  màu đỏ đậm chất latinh phóng khoáng, khi biểu diễn Hồng Nhung nhảy và tung váy điệu nghệ, chiếc váy nhiều tầng như một bông hoa nở nhìn rất đẹp. Đây là bộ trang phục rất độc đáo được Hồng Nhung mặc suốt 3 năm trong nhiều chương trình lớn nhưng chưa phải là bộ trang phục thâm canh lâu nhất và đẹp nhất đâu nhé. Tất nhiên, tủ quần áo của Bống luôn có những bộ cánh mới nhưng có lẽ khi mặc váy yêu thích lên sân khấu sẽ thấy tự tin và hát hay hơn.

Sẽ có một số bài viết về những trang phục đặc biệt của Bống trong thời gian tới.

           4. Chuẩn bị cho sự ra mắt dự án âm nhạc hát theo phong cách nhạc kịch

Dự án nhạc điện tử (electronic) được thực hiện suốt 3 năm, đến nay CD đã hoàn thành và sẽ được ra mắt trong thời gian tới. Để album đạt chuẩn về âm thanh và gửi đến khán giả sản phẩm chất lượng âm thanh tốt nhất, Hồng Nhung đã gửi sang Mỹ để làm master cho album. Album ban đầu được lấy tên là “My dream” nhưng nay được chuyển thành “Vòng tròn”, tư duy âm nhạc sẽ mạnh mẽ, sắc nét hơn, hứa hẹn nhiều bất ngờ, một hình ảnh Hồng Nhung mới về chất trong âm nhạc và cả hình ảnh.


               


         Bên cạnh cd nhạc electronic, Hồng Nhung cũng chuẩn bị cho ra mắt vào cuối năm chương trình đặc biệt theo phong cách hát nhạc kịch, kinh nghiệm tiếp thu được trong chuyến du học về nhạc kịch của Bống ở Anh sẽ được vận dụng trong dự án này, phong cách thiên về cổ điển nhưng sẽ rất gần gũi với khán giả. Sẽ khác hẳn với các dự án hát nhạc kịch của một số ca sỹ Việt từng thực hiện. Dự án của Hồng Nhung sẽ đậm chất Việt hơn, không chỉ có các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng thế giới mà còn có cả những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam mà Hồng Nhung từng rất thành công như: Nhớ về Hà Nội, Đóa hoa vô thường, Thuở Bống là người….




      


          Điều ấn tượng nhất là album sẽ có những ca khúc mới do Hồng Nhung viết cùng Thanh Bùi, Dương Khắc Linh và ca khúc“Nothing in this world” của nhạc sỹ hàng đầu thế giới Craig Amrstrong viết tặng, từng được Bống hát rất thành công trong phim “Người mỹ trầm lặng”. Hát cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với phong cách âm nhạc bay bổng, nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực là một thử thách với Bống. Những người giỏi nhất trong giới như nhạc sỹ Hoài Sa, Quốc Trung và nhạc trưởng Lê Phi Phi đã cùng Bống tập luyện và thu âm cho phần nhạc cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại nhạc viện Hà Nội trong 4 ngày trước tết. Dự án này sẽ thể hiện đẳng cấp, sự chín muồi về nghề của Hồng Nhung. Sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị về dự án này khi album chính thức hoàn thành và ra mắt.




            

              Gần hai tháng nay, Hồng Nhung tập trung cho công việc giám khảo của chương trình tìm kiếm nhóm nhạc nữ lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam mang tên “Sáng bừng sức sống – House of dreams” và chuẩn bị kế hoạch cho sự ra mắt cd và live show trong năm nay nên chị gần như không xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Ngày mai, thứ 6 (8/7), Hồng Nhung sẽ gặp lại khán giả của mình tại phòng trà Đồng Dao – Tp. Hồ Chí Minh và chắc chắn Hồng Nhung sẽ hát say mê dành tặng khán giả, không chỉ những ca khúc Hit quen thuộc mà có thể là những ca khúc mới lần đầu biểu diễn.

Mạnh Hải

Thông tin về đêm diễn tại phòng trà Đồng Dao cho những khán giả quan tâm:  Hồng Nhung sẽ là ca sỹ hát chính trong đêm nhạc (hát khoảng từ 21 h đến 22 h). Giá vé: 230 ngàn/người (chưa tính tiền nước). Liên hệ và đặt chỗ theo số điện thoại: 083.829.6210. Địa chỉ: 164 Pasteur, Quận 3, TP.HCM.

Chị Bống chia sẻ thông tin thú vị dành cho fan trong tháng tư

 

Chị Bống và ca sỹ Quang Dũng vừa có một đêm nhạc Trịnh Công Sơn  chủ đề “Đêm nghiêng” rất thành công tại sân vận động Đại học Bách Khoa Đà Nẵng vào đúng ngày mất của nhạc sỹ 1.4 với sự tham dự của hơn 10 ngàn khán giả.  Những ngày tháng 4, lịch làm việc của chị Bống rất căng thẳng nhưng chị Bống vẫn dành thời gian, chia sẻ một số thông tin thú vị và mới nhất dành cho các fan hâm mộ:

 

1. Về trang phục:

 

 

Chị Bống vừa được nhà thiết kế người Pháp Valerie Mckenzie thiết kế cho một collection gồm 8 áo dài khác nhau. Bộ đầu tiên đã được mặc khi trình diễn ca khúc  “Cũng sẽ chìm trôi” mở màn cho chương trình “Trịnh Công Sơn –  Bóng núi” được tổ chức tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh. Sắp tới hai chị sẽ trao đổi để sáng tạo, thiết kế thêm nhiều trang phục mới. Trang phục cho dự án nhạc điện tử sẽ đơn giản và hiện đại hơn. Chị Bống sẽ có những chia sẻ rất dễ thương về trang phục trên Rubic online của VTV3 (chương trình Rubic online phát sóng chiều vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên VTV3).

 

Trang phục áo dài  hát “Cũng sẽ chìm trôi”  trong chương trình “Bóng núi”

 

2. Về lịch diễn:

Tháng 4, chị Bống sẽ tham gia rất nhiều chương trình ca nhạc như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn miễn phí dành cho sinh viên Đại học quốc gia Tp. HCM (7/4), Live show của danh ca Bob Dyland (10/4), 3 đêm nhạc “Thanh Tùng – Lối cũ ta về” tại Nhà hát lớn Hà Nội (15, 16, 17/4), Hát mừng lễ hội bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng…..Những ngày qua vì quá căng thẳng để tập luyện và biểu diễn cho hàng loạt các chương trình lớn với mật độ dày đặc, bay sô từ nơi này đến nơi khác nên chị cũng hơi mệt và ho nhẹ. Sau tháng tư chị nói sẽ phải nghỉ ngơi ít ngày nhàn.

 

 

Bống trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Đêm nghiêng” tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng

 

3. Về album:

 

Album nhạc điện tử đã thu xong, anh Quốc Trung đang mix và sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất. Hôm trước, chị Bống mới thử phản ứng của khán giả với bài hát “Papa” trong dự án nhạc điện tử, đây là bài hát mới do Hồng Nhung, Thanh Bùi, Dương Khắc Linh sáng tác và nhận được sự tán thưởng của khán giả ở phòng trà Không Tên, nhiều khán giả đã khóc vì xúc động. Chị Bống chia sẻ, mỗi bài hát trong album sẽ là một chủ đề khác nhau,  những câu chuyện rất riêng tư nhưng gần gũi với màu sắc âm nhạc rất mới. Papa là bài hát dành cho bố chị, gợi nhớ lại Papa của tuổi 15. Bên cạnh đó, chị Bống cũng đang tiếp tục thu âm cho album mới cùng dàn nhạc giao hưởng.

 

Đêm nhạc “10 năm nhớ Trịnh Công Sơn”  tại Đại học quốc gia Hà Nội

 

4. Về hát ở phòng trà:


Để gặp gỡ khán giả nhiều hơn, chị Bống vẫn thường xuyên biểu diễn tại các phòng trà ở Sài gòn. Hôm trước, đêm “Tình ca” ở phòng trà Không Tên (26/3), có em Trọng Tín và một số khán giả có thắc mắc sao chị Bống không hát cả đêm diễn hơn 2 tiếng như mấy nhân viên phòng trà PR khi gọi điện đến.

 

Chị Bống có chia sẻ, hoàn toàn không có hợp đồng ký kết nào để chuẩn bị hát trong 1 chương trình  hơn 2 tiếng cả. Đây chỉ là một đêm hát bình thường như mọi khi thôi. Và giờ diễn vẫn diễn ra như mọi khi. Nếu có 2 ngôi sao, người hát đầu sẽ hát từ khoảng 9:45 PM và người hát cuối bắt đầu từ 10:30 P.M, còn nếu hát một mình thì bắt đầu từ 10:10 PM. Nếu mọi người đi xem phòng trà nhiều thì  chắc rất quen thuộc với giờ diễn này. Chị Bống đã nhờ dì Mai hỏi lại chuyện quảng cáo của phòng trà để lần sau không có thông tin sai cho khán giả, tránh hiểu lầm. Còn muốn Bống hát nhiều hơn nữa thì mọi người vỗ tay cho to nhé.

 

Giám khảo cuộc thi “House dreams – Bừng sức sống”

 

Bên cạnh các chương trình biểu diễn, chuẩn bị cho sự ra mắt của các dự án âm nhạc riêng, thời gian tới chị Bống còn xuất hiện trong vai trò rất mới: Giám khảo của cuộc thi “House of dreams – Bừng sức sống” cùng MC Anh Tuấn, Biên đạo múa Y Thanh nhằm tìm kiếm và đào tạo 5 tài năng âm nhạc trẻ, vào chung một nhóm nhạc nữ, khởi động từ ngày 8/4/2011 với vòng thi thử giọng . Dự kiến chương trình phát sóng trên kênh VTV6 lúc 21h chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 12/6 (chi tiết xem trên website: hod.com.vn).

 

 


 

Theo: FB Mạnh Hải


 

Trần Mạnh Tuấn & Hồng Nhung: Tiên phong đưa Jazz vào nhạc Trịnh

Có người ví nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn và diva Hồng Nhung là cặp đôi “độc nhất vô nhị” trên sân khấu nhạc nhẹ Việt Nam. Âm nhạc Trịnh Công Sơn là địa hạt của họ, niềm đam mê nhạc Trịnh và cầu nối của nhạc Jazz là chất gắn kết tuyệt vời, truyền lửa cho những sáng tạo có tính tiên phong với dòng nhạc Trịnh ở Việt Nam.


….Truyền tải  nhạc Trịnh Công Sơn qua ngôn ngữ nhạc cụ và giọng ca….


 

 

Tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn trở thành “chất gây nghiện” với hàng triệu khán giả yêu nhạc Việt Nam. Đam mê nhạc Jazz và những năm tháng du học trên chính quê hương của nhạc Jazz (Mỹ) đã giúp anh thấm sâu hơn Jazz và khi trở về Việt Nam anh đã chơi Jazz trên âm hưởng nhạc dân gian Việt và biến Jazz từ dòng nhạc khó nghe trở nên phổ biến sâu rộng. Nhạc Trịnh Công Sơn được khoắc một chiếc áo mới, khi âm nhạc của ông không được diễn đạt bằng “ca từ” mà bằng  “âm thanh” của tiếng kèn saxophone  đầy chất Jazz của Trần Mạnh Tuấn.

 

 

Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc cụ nên anh quan tâm đến giai điệu nhiều hơn ca từ khi biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn. Ngược lại, Hồng Nhung quan tâm nhất lại là ca từ đầy triết lý của nhạc Trịnh mà người hát cần hiểu và thấm nhuần trong từng câu hát. Sự mộc mạc và giản dị trong các bản nhạc Trịnh Công Sơn đã tạo nên những khoảng trống để Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn ngẫu hứng, sáng tạo và phát triển thêm khi trình diễn. Năm 1994, Hồng Nhung bắt đầu tìm hiểu nhiều về Jazz và có những thể nghiệm  với nhiều ca khúc nhạc Việt được trình diễn theo phong các Jazz, khi  “Hạ trắng” được hát theo phong cách Jazz Rock  nhiều khán giả nhạc Trịnh rất sửng sốt nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại tỏ ra rất thích thú với cách làm mới này, nhưng Hồng Nhung cũng thừa nhận ngay khi đó “không phải bài hát Việt Nam nào cũng biến thành Jazz được”.

 


 

 

Sau thành công rực rỡ với album chạm ngõ nhạc Trịnh mang tên “Bống bồng ơi” (1993) theo phong cách pop và hơi hướng của Blues (một trong những cội nguồn của Jazz), Hồng Nhung đã nối lại mạch chảy cho dòng nhạc Trịnh vốn bị gián đoạn gần 2 thập niên. Hồng Nhung là ca sỹ tiên phong trong việc thể hiện nhạc Trịnh theo phong cách hiện đại, trẻ trung, tươi mới, bừng sức sống nhưng không làm mất đi vẻ đẹp của ca từ và giai điệu âm nhạc Trịnh Công Sơn. Và bước đột phá lớn nhất là khi Hồng Nhung kết hợp cùng Trần Mạnh Tuấn để đưa Jazz vào nhạc Trịnh Công Sơn và khai thác chất dân gian trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Có thể, tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn cũng đã đủ “ma lực” để album nhạc Trịnh Công Sơn mang tên “Hạ trắng” của anh đạt kỷ lục về số lượng tiêu thụ ở Việt Nam với hàng trăm ngàn bản. Nhưng sẽ hoàn hảo hơn khi có một giọng ca đủ phóng khoáng và phiêu linh để gieo ca từ đẹp như thơ của nhạc Trịnh trên mảnh đất màu mỡ của tiếng kèn sacxophone của Jazz mang bản sắc Việt.

 


….. Kết hợp Jazz với chất liệu dân gian trong âm nhạc Trịnh Công Sơn…

Có một quan điểm có tính truyền thống và bất biến trong suy nghĩ của số đông công chúng yêu nhạc Trịnh thế hệ trước: Hát nhạc Trịnh chỉ cần ghita là đủ. Ghita sẽ giúp ca từ  của nhạc Trịnh Công Sơn “độc tôn” phát sáng nhưng tính “quốc tế hóa” sẽ bị thu hẹp bởi rào cản ngôn ngữ. Trần Mạnh Tuấn và Hồng Nhung đã tìm hướng đi mới cho hòa âm và biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn theo phong cách âm nhạc hiện đại trên cái nền của cổ điển.

 


 

 

Phong cách nhạc Jazz đòi hỏi tính ngẫu hứng và phiêu linh rất cao. Khi Trần Mạnh Tuấn kết hợp cùng Hồng Nhung trong “Ru tình” đã đưa những giai điệu và cảm xúc của nhạc Trịnh sang một thiên hướng mới. Kỹ thuật hát nói được Hồng Nhung vận dụng khéo léo để ca từ nhạc Trịnh được nâng niu như những câu thơ đang được đọc bằng giai điệu, hòa quyện cùng tiếng kèn saxophone réo rắt rồi đẩy lên cao trào với cả một đoạn phiêu linh đầy ám ảnh của Hồng Nhung. Người nghe ngập tràn trong cảm xúc, hồi hộp và nín lặng để rồi vỡ òa cảm xúc với những tràng pháo tay vang dội. Trần Mạnh Tuấn và Hồng Nhung đã lái khán giả vào không gian của “đưa võng” với nhiều tâm trạng khác nhau, sự kịch tính được phát triển trong cả một câu chuyện của bài hát. “Ru tình” là đỉnh cao của Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn trong sự kết đôi, thể hiện được đẳng cấp và sự hòa quyện, rất ăn ý mà khán giả vẫn gọi “tuy hai là một”.

 


 

 

Một người trong ban tổ chức của “Liên hoan âm nhạc Châu Á” khi nghe Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn phối hợp biểu diễn ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng tại Tp.Hồ Chí Minh đã vô cùng ấn tượng. Ngay sau đó, Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn là hai nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam được họ mời tham dự “Liên hoan âm nhạc Châu Á” (2002) tổ chức tại Singgapo. Phong cách âm nhạc chủ đạo mà Trần Mạnh Tuấn lựa chọn dàn dựng tác phẩm là Blues, Jazz để kết hợp cùng Hồng Nhung trong 4 ca khúc bao quát nhiều dòng nhạc ở Việt Nam : “Inh lả ơi” (dân ca), “Hồ trên núi” (Dân gian đương đại), “Ngày không mưa” (Nhạc trẻ) và đặc biệt là “Ru tình” của Trịnh Công Sơn. Chất phóng khoáng của Jazz, Blues đã được kết hợp tinh tế cùng chất dân gian của nhạc Việt đã phá bỏ rào cản ngôn ngữ để khán giả nước ngoài có thể đắm chìm cùng những giai điệu mang bản sắc Việt.

 

 

 

 

Khi thực hiện album nhạc Trịnh Công Sơn  “Thưở Bống là người” của Hồng Nhung, Trần Mạnh Tuấn đã tìm tòi, khai thác những ca khúc mang âm hưởng dân ca như: “Thưở Bống là người”, “Ra đồng giữa ngọ”, “Cũng sẽ chìm trôi” và “Tiếng thoái lưỡng nan” với những bản phối đầy rung cảm, tươi mới. Chất dân gian của “Thuở Bống là người” được kết hợp đầy ngẫu hứng với Jazz để Bống tung hoành phiêu linh và vũng vẫy trong một không gian âm nhạc có tính mở. Ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”được Trần Mạnh Tuấn phối theo làn điệu dân ca Bắc Bộ khá độc đáo, trên cái nền nhạc đó, Hồng Nhung chậm rãi ngẫu hứng “hát như nói” và những triết lý được bộc lộ một cách tự nhiên và sâu sắc. Đặc biệt, ca khúc “Cũng sẽ chìm trôi” chất dân gian đậm đặc: “Nhật nguyệt í a trên cao. Tôi ngồi ối a dưới thấp…” Hồng Nhung thỏa sức phiêu bồng với Jazz, chút luyến láy ca trù.  Live show nhạc Trịnh Công Sơn – Thuở Bống là người của Hồng Nhung đã giới thiệu được những sáng tạo và thể nghiệm mới của hai người trong mảng ca khúc về thân phận con người của nhạc Trịnh với phong cách âm nhạc gần gũi, giản dị nhưng mới mẻ.

 


 

 

…Trần Mạnh Tuấn – Hồng Nhung: Tỏa sáng cùng nhau trên sân khấu…

 

 


 

Khi biểu diễn trên sân khấu, Hồng Nhung – Trần Mạnh Tuấn luôn biết tạo cảm hứng cho nhau, ăn ý, hòa quyện một cách lạ lùng ngay cả khi gặp sự cố cũng được họ biến hóa linh hoạt đến bất ngờ. Điều đặc biệt nhất để làm nên một cặp đôi “có một không hai” trên khấu Việt là sự tỏa sáng cùng nhau trên khấu, người nghe không còn nhận ra ai là nhân vật trung tâm. Sức hút của Trần Mạnh Tuấn không kém bất cứ ngôi sao đương đại nào ở Việt Nam, biên độ còn rộng hơn. Trong album nhạc Trịnh Công Sơn“Hạ trắng” của Trần Mạnh Tuấn, Hồng Nhung xuất hiện với tư cách khách mời thể hiện ca khúc “Em hãy ngủ đi” cùng tiếng kèn saxophone, vượt qua mọi khuôn khổ, chất ngẫu hứng của chất Jazz đương đại được đẩy lên cao trào với độ vang, khắc khoải, phiêu linh của giọng hát tạo nên một bản tình ca tuyệt đẹp. Rồi những giai điệu của Hạ trắng, Ngủ đi con, Nhớ mùa thu Hà Nội, Cũng sẽ chìm trôi, Thưở Bống là người…đã làm nên thương hiệu đẳng cấp, sang trọng cho sự kết đôi của Trần Mạnh Tuấn – Hồng Nhung trên sân khấu.


 

Dù kết đôi hay trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn đơn thì Trần Mạnh Tuấn và Hồng Nhung vẫn bảo đảm được hai yếu tố quan trọng là nghệ thuật và thị trường. Họ luôn là thương hiệu hàng đầu được chờ đón cho những đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Hồng Nhung cùng Trần Mạnh Tuấn coi nhạc Trịnh là một phần của sự nghiệp âm nhạc nên họ luôn trân trọng và không ngừng khám phá, sáng tạo để nhạc Trịnh phát sáng với nhiều màu sắc đa dạng. Hồng Nhung gần đây, còn thu một số ca khúc Trịnh Công Sơn trong album nhạc kịch theo phong cách bán cổ điển cùng dàn nhạc giao hưởng, một hình thức hát nhạc Trịnh khá mới mẻ ở Việt Nam.

………………………………………………………………………………….

Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn là những người bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn trong 10 năm cuối đời của nhạc sỹ. Nhạc sỹ rất thích tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn, nhất là khi anh ngẫu hứng thổi sai vài nốt của bài hát nhưng nhạc sỹ lại không thích ca từ của mình bị hát sai. Trần Mạnh Tuấn đã có được 2 bức tranh sơn dầu và 3 bức ký họa chân dung do chính nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẽ tặng. Hồng Nhung ngoài bức hình chân dung Bống, chị còn được nhạc sỹ tặng ba ca khúc Bống bồng ơi, Bống không là Bống và Thuở Bống là người.

Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn hợp tác không chỉ trong công viên nhạc Trịnh Công Sơn, họ còn mở rộng địa hạt sang nhạc Dương Thụ, Quốc Bảo, Thanh Tùng, Bảo Phúc…nhưng sức hút mạnh nhất và cống hiến của hai nghệ sỹ với dòng nhạc Trịnh khi biểu diễn cùng nhau trên sân khấu là nỗ lực sáng tạo để đưa Jazz vào những ca khúc vốn rất ít nốt, đơn giản, mộc mạc. Chất liệu Jazz đã đưa nhạc Trịnh vào một không gian khoáng đạt, mở rộng hơn nhưng vẫn giữ được chất riêng nhiều suy tư, chiêm nghiệm của âm nhạc Trịnh Công Sơn.


 

 

Trong chương trình của huyền thoại âm nhạc thế giới  Bob Dylan tại Tp. Hồ Chí Minh (10/4), Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn sẽ tham gia biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn với những giai điệu của Ru tình, Thuở Bống là người. Phần trình diễn của họ chắc chắn sẽ gây ấn tượng và những giai điệu truyền thống ngũ cung phương Đông rất mềm mại, tình cảm của nhạc Trịnh sẽ được thổi hồn bằng chất Jazz mang hơi thở đời sống đương đại đầy tươi mới.

 


 

Dấu mốc hợp tác của Trần Mạnh Tuấn – Hồng Nhung:

Năm 1995: Cộng tác trong album “Mê khúc” và năm 1998 cộng tác trong album nhạc Dương Thụ “Bài hát ru cho anh”.

– Năm 1998: Đánh dấu thành công trên sân khấu với “Ru tình” trong live show xuyên Việt  “Trịnh Công Sơn – Dấu chân không năm tháng”;  “Lắng nghe mùa xuân về” & “Cửa sổ mùa đông” (Dương Thụ) trong Duyên dáng Việt Nam 7, 8

– Năm 1999: Trần Mạnh Tuấn hợp tác thành công với Hồng Nhung trong live show xuyên Việt “Hồng Nhung – Bài hát ru 99” với Cửa sổ mùa đông, Ru tình, Tháng tư về, Lắng nghe mùa xuân về….

–  Năm 2000:  Cùng nhau tham gia hàng loạt chương trình lớn như Hoa hậu Việt Nam với “Thưở Bống là người”, sinh nhật Bến Thành Audio với “Lắng nghe mùa xuân về”.

– Năm 2001: Biển diễn “Ru tình” trong đêm trao giải Làn sóng xanh và “Ngủ đi con” trong live show nhạc Trịnh “Như một lời chia tay”.

– Năm 2002:  Là hai nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam được mời tham gia “Liên hoan âm nhạc Châu Á” tại Singgapo cùng nhau biểu diễn 4 ca khúc: Ngày không mưa, Ru tình, Hồ trên núi, Inh lả ơi. Ngoài ra, còn kết hợp biểu diễn Ru tình trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam.

–  Năm 2003: Kết hợp trong album và live show nhạc Trịnh Công Sơn –  “Thuở Bống là người”  cùng live show “Một ngày mới”

…..

– Những bài hát thành công nhất của bộ đôi Trần Mạnh Tuấn và Hồng Nhung trên sân khấu: Ru tình, Ngủ đi con, Cũng sẽ chìm trôi, Em hãy ngủ đi, Thuở Bống là người, Lắng nghe mùa xuân về, Cửa sổ mùa đông, Chờ em nơi thềm trăng, ….

– Các chương trình xuất hiện, trình diễn cùng nhau: Làn sóng xanh, Một thoáng Việt Nam, Hoa hậu biển, Hoa hậu Việt Nam, Duyên Dáng Việt Nam, Quà tặng âm nhạc VTV3, Dòng thời gian ….cùng  các live show nhạc Trịnh: Như một lời chia tay (2001), Người về Bỗng nhớ (2003), Đồng dao Hòa Bình (2004)….Bóng núi (2011), Huế – Sài gòn – Hà Nội (2011)…..

Mạnh Hải