Kỳ 8: Hồng Nhung và hai nhạc sĩ Bảo Chấn, Bảo Phúc

Thương hiệu của ca sỹ Hồng Nhung gắn liền với âm nhạc Trịnh Công Sơn và những ca khúc về Hà Nội. Nhạc sĩ Bảo Chấn – Bảo Phúc là hai nhà sản xuất âm nhạc tài năng, giúp Hồng Nhung tỏa sáng rực rỡ trong hai địa hạt âm nhạc này. Ngoảnh lại để thấy được một chặng đường và dấu ấn nghệ thuật của Hồng Nhung với những sản phẩm hợp tác cùng Bảo Chấn, Bảo Phúc.

Untitled 33
…Hồng Nhung – Bảo Chấn: Chinh phục những đĩa hát vàng …

Nhạc sĩ Bảo Chấn chia sẻ: “Tôi chơi thân với Dương Thụ từ năm 1980 và cùng đi thực tế sáng tác với anh rất nhiều”. Năm 1991, Hồng Nhung vào Sài Gòn, chị được nhạc sĩ Dương Thụ giới thiệu với nhạc sĩ Bảo Chấn và nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết, có một thời gian dài là hàng xóm của nhau. Êkip Hồng Nhung – Dương Thụ – Bảo Chấn được hình thành với những sản phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao.

hnvol010sf

Năm 1997, vol 1 “Hồng Nhung – Đoản khúc thu Hà Nội” do Dương Thụ biên tập và Bảo Chấn hòa âm được phát hành, album đã tạo một luồng sinh khí mới cho thị trường băng đĩa nhạc Việt. Đoản khúc thu Hà Nội đã đoạt giải “Đĩa hát vàng 97” cho số lượng đĩa tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Những bản phối khí dung dị, tinh tế và có chiều sâu của Bảo Chấn tạo nên không gian âm nhạc hài hòa giúp Hồng Nhung lột tả trọn vẹn tinh thần của các ca khúc quen thuộc: Nhớ mùa thu Hà Nội, Hướng về Hà Nội, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Nhớ về Hà Nội…. Hồng Nhung hát trong trẻo, lãng mạn với chất giọng đang ở thời kỳ rực rỡ nhất . Năm 17 tuổi, Hồng Nhung từng khiến khán giả cả nước rưng rưng khi được nghe chị hát “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp) trên sóng phát thanh vov. Khi nghe CD “Đoản khúc Thu Hà Nội” của Hồng Nhung tuổi 27 với nhiều trải nghiệm hơn thì cảm xúc, nỗi nhớ càng trở nên thấm đượm và sâu sắc.

Đĩa hát vàng “Đoản khúc thu Hà Nội” do Bảo Chấn thực hiện, đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung. Album đưa Hồng Nhung trở thành thương hiệu hàng đầu gắn với dòng nhạc về Hà Nội và nhắc đến Hồng Nhung là khán giả nhớ ngay về “cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ” hát rất hay những ca khúc về Hà Nội. Năm 2000, Hồng Nhung được bạn đọc báo Người Lao Động bình chọn là “Ca sỹ hát về Hà Nội hay nhất”. “Hồng Nhung – Hà Nội” trở thành cái tên thân thương và là niềm tự hào của nhiều người Tràng An. Đoản khúc thu Hà Nội vẫn được tái bản với số lượng lớn. Đây là một trong những album về Hà Nội thành công nhất và có một đời sống độc lập, bền lâu với những giá trị văn hóa được kết tinh.

Năm 1997 – 1998, Hồng Nhung trở thành một trong những ca sỹ “đinh” của 2 album Nghe mưa 1,2 và chương trình xuyên Việt “Nghe mưa” của Dương Thụ – Bảo Chấn từng gây chấn động nhạc Việt bấy giờ. Họ là những người “bổ nhát cuốc đầu tiên vào mạch ngầm của dòng nhạc trẻ thập niên 90” cùng với sự bùng nổ của chương trình Làn sóng xanh đã tạo nên bản giao hưởng tuyệt vời cho không khí hoàng kim của nhạc Việt. Hồng Nhung đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, chiếm lĩnh vị trí không đối thủ trên bảng xếp hạng Làn sóng xanh 1997, là ca sỹ có nhiều bài nhất lọt vào bảng xếp hạng Làn sóng xanh với những thứ hạng cao. Đầu năm 1998, CD “Hồng Nhung & Những bài Topten” nhanh chóng được ra đời và tạo nên “cơn sốt” với khán giả yêu nhạc. Hồng Nhung cũng là diva duy nhất có 7 năm liên tiếp đoạt giải “Ca sỹ được yêu thích nhất” của Làn sóng xanh (1997 – 2003).

Dự án đậm dấu ấn nhất của bộ ba Hồng Nhung – Bảo Chấn – Dương Thụ là chương trình xuyên Việt “Hồng Nhung & Bống bồng ơi” (12/1997). Nhạc sĩ Dương Thụ là người chỉ đạo nghệ thuật, Hồng Nhung là người viết kịch bản, nhạc sĩ Bảo Chấn là người dàn dựng âm nhạc. Live show “Bống bồng ơi” thành công rực rỡ, tạo được tiếng vang lớn và đem lại uy tín nghề nghiệp và đẳng cấp cho Hồng Nhung.

4d7a571d0b7c69956f00e017595e78fd

Năm 2001, Hồng Nhung ra mắt vol 5 “Cháu vẽ ông mặt trời” do Dương Thụ – Bảo Chấn thực hiện. Một cd rất đặc biệt, dành cho thiếu nhi nhưng được thực hiện chuyên nghiệp và bài bản, từ lời dẫn đến hòa âm, phối khí. Năm 2002, Hồng Nhung đã được độc giả báo Thiếu niên tiền phong bình chọn là “Nữ ca sỹ được yêu thích nhất”. “Cháu vẽ ông mặt trời” đã khám phá một góc rất riêng, ngây thơ và trong sáng của nội tâm người ca sỹ. Những ký ức đẹp đẽ của một thời niên thiếu được Hồng Nhung tái hiện nguyên vẹn với tình cảm ấm nồng.
Bên cạnh mảng nhạc trẻ và nhạc thiếu nhi, Bảo Chấn còn giúp Hồng Nhung chinh phục công khán giả yêu nhạc qua mảng ca khúc tiền chiến và truyền thống cách mạng. Album “Hồng Nhung – Lời thiên thu gọi” tập hợp những ca khúc tiền chiến do Hồng Nhung thể hiện với nhiều sự mới mẻ qua hòa âm của Bảo Chấn như: Ngọc Lan, Thoi tơ, Mỗi độ xuân về, Tìm đâu mùa xuân cũ, Cô láng giềng…

Untitled 9

Những bản phối của Bảo Chấn mang màu sắc cổ điển nhưng rất tươi mới, nhờ đó Hồng Nhung đã lạ hóa thành công những giai điệu của các ca khúc truyền thống: Đất nước, Khát vọng, Rừng gọi… với phong cách hát nhạc nhẹ gần gũi, không mang tính hàn lâm nhưng vẫn giữ được tình cảm, chất hùng tráng của mỗi tác phẩm. Đây là cách hiệu quả để đưa các ca khúc tiền chiến, cách mạng đến gần các bạn trẻ yêu nhạc.

…Hồng Nhung khám phá vẻ đẹp âm nhạc Bảo Chấn…

Bảo Chấn đến với sự nghiệp viết ca khúc rất ngẫu hứng. Ngày ấy, anh và nhạc sĩ Dương Thụ cùng một số tay chơi nhạc “cự phách” lập ban nhạc trẻ có tên “Trống Đồng”. Đây là thời kỳ các nhóm nhạc phát triển mạnh ở Tp. Hồ Chí Minh, khi đó có lệnh “nhóm nhạc nào muốn chơi tiếp phải viết được ca khúc”. Và ca khúc “Bài ca chưa viết hết lời” được Bảo Chấn sáng tác ngay trong đêm để đưa lên trình duyệt. Đó là dấu mốc đầu tiên cho sự nghiệp viết ca khúc của Bảo Chấn.

5q

Chuyện ít người biết, Hồng Nhung là người đầu tiên thu âm, thể hiện rất nhiều các ca khúc nổi tiếng của Bảo Chấn. Ông sáng tác nhạc rất thời thượng và ăn khách nhưng vẫn có sức sống khá bền. Trong một cuộc trò chuyện, Bảo Chấn đã chọn 3 giọng ca hát thành công nhất nhạc của ông là Hồng Nhung, Lam Trường, Thanh Lam.

Hồng Nhung hát “Bên em là biển rộng” với sự nhẹ nhàng, cuốn hút đầy nữ tính với “tình em như sông vắng trong xanh, phẳng lặng”. Bảo Chấn chia sẻ: “Đây là một tác phẩm Jazz – Pop chan chứa đam mê và yêu thương cuộc đời. Sao mỗi lần nghe lại ca khúc này, tôi vẫn thích như mới lần đầu viết những nốt nhạc đầu tiên”.

Giọng hát Hồng Nhung mang một sắc thái mới đầy sôi động, khắc khoải, phiêu linh trong Dấu vết, Rồi anh lại đến, Chiếc lá vô tình, Để em còn chút dỗi hờn…Đêm trao giải, công diễn Làn sóng xanh 2000, Hồng Nhung đã trình diễn ấn tượng hai ca khúc Và cơn gió thoảng, Biết em còn chút dỗi hờn của Bảo Chấn. Ca khúc của anh cũng xuất hiện đều đặn trong các album và live show của Hồng Nhung.

Năm 2003, hai ca khúc nhẹ nhàng, trữ tình Rồi dấu yêu về, Lời tôi hát của Bảo Chấn trong album “Một ngày mới” được nhiều khán giả yêu thích. Cách đây một tháng, tại phòng trà Đồng Dao Hồng Nhung đã chia sẻ một kỷ niệm gắn với ca khúc “Rồi dấu yêu về”: “Hồng Nhung và anh Bảo Chấn là hàng xóm, hai người cùng chia chung một con hẻm nhỏ xíu, hai xe honda tránh nhau còn khó. Mưa xuống các mái nhà lụp xụp mà nhà mình cũng là một trong số đó, nhìn qua cửa sổ tự nhiên thấy lãng mạn vô cùng, làm cho mình muốn rưng rưng…Nhạc sĩ Bảo Chấn đã viết ca khúc và có hơi sử dụng hình ảnh Hồng Nhung thường đi qua ngõ cửa nhà anh, mặc dù không hề có yêu đương gì cả”: “Chiều nay bỗng mưa về. Gội xanh lắm phố hè…Chờ em ghé qua nhà, chiều xõa tóc đôi bờ. Dòng sông vẫn thầm hát. Đến bên em để biết yêu người…”.

Untitled 3

Năm 2007, nhạc sĩ Bảo Chấn đã sáng tác dành riêng cho Hồng Nhung – Quang Dũng ca khúc “Từ khi” với giai điệu rất trẻ trung, vui tươi trong dự án song ca “Vì ta cần nhau”. Năm 2010, Hồng Nhung trở ra Hà Nội tham dự đêm nhạc “Bảo Chấn – Nỗi nhớ dịu êm” tại Nhà hát lớn Hà Nội với 3 ca khúc: Bên em là biển rộng, Chiếc lá vô tình, Về với anh để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc cho người xem. Nhạc sĩ Bảo Chấn vừa đệm đàn, vừa hát bè cho phần trình diễn của Hồng Nhung.

Nghe Hồng Nhung hát nhạc Bảo Chấn người ta thấy được sự thư thái, hồn nhiên của tâm hồn như bản tính hiền lành, hài hước của Bảo Chấn ngoài đời. Sự đằm thắm của giọng hát Hồng Nhung đã để lại dấu vết tươi sáng cho âm nhạc Bảo Chấn.

…Hồng Nhung – Bảo Phúc: Khơi mạch chảy mang tính thời đại cho dòng nhạc Trịnh …

Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông là cầu nối cho tình bạn của Hồng Nhung – Bảo Phúc trong công việc và cuộc sống. Anh em Bảo Phúc – Bảo Chấn có dòng dõi hoàng tộc, được sinh trưởng trong cái nôi âm nhạc truyền thống, bố là nhạc sỹ Vĩnh Phan nổi tiếng về lĩnh vực âm nhạc dân tộc, mẹ là nghệ sỹ Bích Liễu giọng ca chầu văn lừng danh của dòng nhạc cung đình Huế. Trịnh Công Sơn và Bảo Phúc đều là người Huế nên cái chất Huế lãng mạn, bàng bạc thấm đẫm trong xúc cảm nghệ thuật của họ. Âm nhạc và hội họa đã gắn kết tình bạn đặc biệt của Bảo Phúc và Trịnh Công Sơn. Bảo Phúc là người hòa âm hơn 400 ca khúc của Trịnh Công Sơn và được Trịnh Công Sơn, Cẩm Vân đánh giá là người hòa âm hay nhất cho âm nhạc Trịnh Công Sơn. Quan điểm phối khí của Bảo Phúc được đúc rút từ hội họa: “Phối khí cho một album giống như một bức tranh thủy mặc. Trên đó là những nét chấm phá, có chỗ đậm, nhạt, chỗ dày, chỗ mỏng…”.

Sau năm 1975, dòng chảy có tính thời đại của âm nhạc Trịnh Công Sơn bị gián đoạn cho đến khi băng nhạc Trịnh Công Sơn “Hồng Nhung – Bống bồng ơi” (1993) xuất hiện. Album “Bống bồng ơi” do Bảo Phúc hòa âm đã làm bùng nổ giới yêu nhạc với hàng loạt sáng tác mới của Trịnh Công Sơn: Bống bồng ơi, Còn ai có ai, Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng, Con mắt còn lại, Đường xa vạn dăm… Hồng Nhung tiên phong hát nhạc Trịnh Công Sơn theo phong cách hiện đại, trẻ trung và chị đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào nhạc Trịnh. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét: “Hồng Nhung làm mới lại ca khúc của tôi…Tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới, phù hợp với tiết tấu của thời đại – một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại…”. Album “Bống bồng ơi” là cầu nối chuyển giao thế hệ từ Khánh Ly sang thế hệ Hồng Nhung, khơi thông mạch chảy có “linh hồn” cho dòng nhạc Trịnh trong đời sống âm nhạc Việt sau năm 1975.

Khi hòa âm cho nhạc Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc rất thích pha trộn giữa âm nhạc dân tộc với những yếu tố âm nhạc hiện đại của Phương Tây. Album “Bống bồng ơi” có nhiều chất Blues, Jazz để Hồng Nhung thỏa sức ngẫu hứng, bùng nổ. Những ngày thu âm cũng tràn đầy kỷ niệm giữa Trịnh Công Sơn – Bảo Phúc và Hồng Nhung: “Chúng tôi thu âm ở một Nhà hát cũ thuộc quận 3. Muốn vào đến nhà hát cũ, phải gửi xe ở ngoài, đi qua một cái chợ náo nhiệt, nào rau, nào cá…Bước vào nhà hát, tiếng ồn mất hẳn, dò bước lên cậu thang cũ kỹ, chúng tôi bước vào phòng thu nhưng im lặng như đêm. Chung quanh chỉ có âm nhạc và tiếng ca”. Ngày ấy, Hồng Nhung thường xuyên cùng Bảo Phúc – Trịnh Công Sơn đi trình diễn nhạc Trịnh ở nhiều chương trình, âm nhạc Trịnh Công Sơn trở lại mới mẻ, tràn đầy sức sống. Hồng Nhung đã xóa đi lối mòn trong phong cách thể hiện nhạc Trịnh, giúp các thế hệ ca sỹ trẻ dám tìm tòi, thể nghiệm nhạc Trịnh theo phong cách mới để phù hợp với sự vận động không ngừng của cuộc sống.

“Bống bồng ơi” là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp ca hát của Hồng Nhung. Album như một tấm giấy thông hành đặc biệt để Hồng Nhung bước vào thánh địa nhạc Trịnh với một vị trí quan trọng mang tính tiên phong. Năm 1997, Hồng Nhung đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp hát nhạc Trịnh với trường ca “Đóa hoa vô thường”, ca khúc đậm chất Trịnh Công Sơn nhất. Bản hòa âm mênh mang màu sắc huyền bí của Phương Đông kết hợp với thanh âm hiện đại của Phương Tây, Bảo Phúc đã tạo mảnh đất màu mỡ để giọng hát và tình cảm của Hồng Nhung ươm mầm, tạo nên một bản nhạc có sức quyến rũ lạ kỳ, khó ai có thể hát “Đóa hoa vô thường” khiến người nghe ám ảnh đến vậy. Đóa hoa vô thường nhanh chóng trở thành HIT trên bảng xếp hạng danh tiếng nhất bấy giờ là Làn sóng xanh, đánh bật mọi HIT khác để giành vị trí quán quân, được đông đảo khán giả mọi tầng lớp yêu thích. Đóa hoa vô thường vẫn là niềm tự hào của Hồng Nhung – Bảo Phúc, sau này là cả đạo diễn Phạm Hoàng Nam khi anh thực clip video rất thành công.

HongNhungVol7-ThuoBongLaNguoi

Sau Bống bồng ơi, Hồng Nhung tiếp tục hợp tác cùng Bảo Phúc và Trần Mạnh Tuấn trong album và live show “Thuở Bống là người” (2003). Những giai điệu của Ru em, Bên đời hiu quạnh, Xa dấu mặt trời, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…được Bảo Phúc khoắc một tấm áo mới qua hòa âm gần gũi nhưng lại rất thời đại. Bởi vậy, các ca khúc trong album “Thuở Bống là người” thiên về triết lý đời sống, thân phận con người và không quen thuộc lắm với người nghe vẫn được khán giả trẻ đón nhận và có nhiều bài lọt vào Topten Làn sóng xanh. Hồng Nhung rất thành công trong vai trò sứ giả âm nhạc Trịnh Công Sơn với khả năng phổ biến ca khúc nhạc Trịnh đến công chúng một cách dễ dàng.
Hồng Nhung nhớ lại kỷ niệm: “Bảo Phúc yêu nghề và say mê nhạc Trịnh. Tôi nhớ có lần, anh mất nhiều thời gian để viết hòa âm cho một bản nhạc. Vừa viết xong, anh lập tức liên lạc với tôi và anh Sơn để nghe thử. 3 chúng tôi đón nhau ngoài đường, chui ngay vào trong xe và cứ im lặng nghe đi nghe lại. Bây giờ nhắc lại, điều làm tôi nhớ nhất là bản tính hồn nhiên của anh dành cho âm nhạc”.

…Mê khúc – Hồng Nhung hát nhạc Bảo Phúc…

Nhac-Si-Bao-Phuc (3)

Bảo Phúc thường được ưu ái gọi là “thần đồng nhạc – họa”. Anh sử dụng thành thạo tới 25 nhạc cụ khác nhau và năm 10 tuổi từng đoạt giải nhất hội họa toàn quốc và giải ba hội họa thế giới với 104 nước tham gia. Ngay sau đó, một tại nạn bất ngờ đã làm hỏng vĩnh viễn một con mắt của anh, giấc mơ hội họa tạm được gác lại, trong ca khúc “Cõi về” do Hồng Nhung trình bày trong phim “Blouse trắng” anh đã viết:
“Tôi thấy mình đứng trong vườn, tôi vẽ màu sắc hoang đường, lên những mộng ước vô thường, về mấy con đường rồi không buồn nhớ….”.

Dù chỉ sống và làm việc với “con mắt còn lại” nhưng sức cống hiến của Bảo Phúc khó nhạc sĩ đương thời nào theo kịp với những kỷ lục liên tiếp. Anh đã làm nhạc cho hàng trăm chương trình trên sân khấu và gần 300 bộ phim, hòa âm cho hơn 400 ca khúc nhạc Trịnh và hàng trăm ca khúc của các tác giả khác. Ngoài ra, Bảo Phúc còn sáng tác ca khúc, album đầu tiên mang tên Mê khúc (10 tình khúc Bảo Phúc – Anh Thoa) với giọng hát Hồng Nhung đã tạo được tiếng vang khi ra mắt vào năm 1995.

IMG_20170531_0003

Album Mê khúc mở đầu với lời dẫn chuyện của Hồng Nhung: “Bảo Phúc trước tiên là người làm phối âm, phối khí cho nhiều tác giả ca khúc. Thế rồi, có thể vì muốn chia sẻ hoặc đắm chìm trong tâm sự của bạn bè mà anh tự nguyện viết lấy những điều riêng tư khi lòng mình muốn bày tỏ với cuộc đời chung.

Đi qua thế giới tình cảm của Bảo Phúc cũng là đi qua một thế giới âm thanh mềm mại và một thứ ngôn từ chưa trùng lẫn với ai. Để tự bảo toàn, Bảo Phúc đang cố gắng giữ gìn một hoài bão nhỏ bé, là cái thế giới tâm sự mà anh muốn đi đến thì chỉ một mình anh biết và tự mình chia sẻ với riêng mình mà thôi. Ai cũng muốn chọn cho mình một cõi riêng để sống, để vui, để buồn. Bảo Phúc đi qua thế giới âm nhạc đã nhiều năm tháng, nhưng hôm nay mới chọn một chốn riêng để bày tỏ ra với đời. Tuy muộn, nhưng thật ra có gì muộn đâu, cho một cuộc tỏ tình với thế giới vừa vô cùng, vừa hạn hữu này”.

IMG_20170531_0002

Lời dẫn chuyện của Hồng Nhung đã phác họa tinh tế, đầy đủ nội dung tư tưởng chủ đạo của album. Chất giọng Hồng Nhung nồng nàn, tình cảm với “Để gió đưa vào lãng quên”, rồi lắng đọng với nỗi buồn của “Đêm xa người”, phảng phất ưu tư với “Ngày xưa tiếng vĩ cầm”, đầy mê hoặc với “Mê khúc” hay vui tươi, rộn ràng trong “Cõi hoa”. Những cung bậc cảm xúc được chuyển biến liên hoàn tạo thành mạch chảy của kỷ niệm, vui – buồn đan xen.

Hồng Nhung thể hiện đẳng cấp giọng hát qua hai ca khúc “Có nụ hoa hồng bỗng gọi tên anh” và “Bay đi ôi cô đơn” với hai thái cực đối lập. Sự thơ mộng của “Thành phố buổi sáng mù sương, thành phố buổi sáng em nhớ anh…” tương phản với “Đêm lạnh lùng riêng mình em, ngồi đây, ngẩn ngơ buồn tênh và lặng câm tìm trong u tối..”, chất giọng vang, dầy và tình cảm tràn đầy của Hồng Nhung khiến người nghe cảm nhận cái sự cô đơn thấm sâu hơn của âm nhạc Bảo Phúc, nhưng rồi “môi vẫn tươi nụ cười, vẫn vờ thôi”. Bảo Phúc trình bày “Ru mãi tình xưa” và “Nỗi buồn mực tím” với giọng hát trầm ấm, nam tính, tình cảm và bình thản, như điểm xuyết thêm cho màu sắc của âm nhạc tổng thể của album.

Hồng Nhung, Bảo Phúc cùng tiếng kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn đã phối hợp hòa quyện, ăn ý trong album “Mê Khúc”, tạo nên một album giàu xúc cảm và đẳng cấp. Trong chương trình “Nắng xanh trên đồi” tưởng nhớ 100 ngày mất của Bảo Phúc, Hồng Nhung đã hát “Để gió đưa vào lãng quên” và “Có nụ hoa hồng bỗng gọi tên anh” rất xúc động, phiêu linh.

Ngoài ra, Hồng Nhung và Bảo Phúc còn kết hợp hòa âm, thu âm cho nhiều tác giả ca khúc khác. Video clip song ca “Bay đi những cơn mưa phùn” (Đynh Trầm Ca) là một kỷ niệm đẹp của 2 anh em. Trong nhiều dịp kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung luôn được Bảo Phúc đệm đàn và hát bè cho chị trong những tình khúc nhạc Trịnh.

untitled-8

Hai bộ ba Bảo Chấn – Hồng Nhung – Dương Thụ và Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung – Bảo Phúc đã góp phần tạo nên những nấc thang, nền móng vững chắc, lâu bền cho sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Hồng Nhung. Hiện nay, Hồng Nhung vẫn không ngừng khám phá, chinh phục những dòng nhạc có tính thời đại như thể loại nhạc điện tử (electronic) và chị vẫn gìn giữ, quý trọng và phát huy sở trường của mình là dòng nhạc lãng mạn, trữ tình, sẽ có nhiều bất ngờ thú vị khi album hát cùng dàn nhạc giao hưởng của chị được ra mắt . Hồng Nhung luôn thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc, tâm và thế của một nghệ sỹ tài năng, giàu năng lượng, ham sáng tạo và luôn muốn mang đến khán giả những giá trị âm nhạc đích thực.

Mạnh Hải (Tháng 5/2011)
.

 

Bình luận về bài viết này