Kỳ 6: Hồng Nhung: “Người đàn bà trẻ thơ” hát nhạc Thanh Tùng

           Sau Ngọc Bích của thập niên 80, Hồng Nhung và Thanh Lam trở thành hai sứ giả đặc biệt của âm nhạc Thanh Tùng. Trong công viên âm nhạc của ông, Hồng Nhung tỏa sáng với hình ảnh riêng biệt, giọng ca của chị thấm đẫm trải nghiệm nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Đã 24 năm, Hồng Nhung gắn bó với âm nhạc Thanh Tùng với những đỉnh cao được tạo nên từ nhiều ca khúc ghi dấu ấn đặc biệt.

hn co 2

…Hồng Nhung và dấu ấn đầu tiên với âm nhạc Thanh Tùng…

Thập niên 80, âm nhạc Thanh Tùng bước vào thời hoàng kim với hàng loạt ca khúc được công chúng yêu thích qua giọng ca của Ngọc Bích. Hồng Nhung nhớ lại: “Tôi yêu mến nhạc của Thanh Tùng đầu tiên là qua giọng ca của cô Ngọc Bích với Ngôi sao cô đơn, Lời tỏ tình của mùa xuân (hai ca khúc nhạc sỹ viết tặng Ngọc Bích)… Khi đó tôi còn nhỏ, giọng hát Ngọc Bích và nhạc Thanh Tùng mang theo làn sóng thời đại những năm 80”. Năm 1990, ca sỹ Ngọc Bích qua Mỹ định cư, Hồng Nhung và Thanh Lam là hai giọng ca chủ đạo tiếp bước đàn chị, giữ mạch chảy cho âm nhạc Thanh Tùng với những ca khúc đặc biệt thành công.

1271561918_55167744-thaohphongnhung3

Năm 1988, Hồng Nhung đã thu âm “Chuyện tình của biển” trong album đầu tiên “Tiếng hát Hồng Nhung”. Sau câu chuyện tình của biển, khán giả còn ấn tượng với hình ảnh Hồng Nhung đạp xe trên phố với“Lời tỏ tình của mùa xuân” được phát trên truyền hình và vov mỗi dịp xuân về. Sự hồn nhiên, ngây thơ của cô Bống đã chinh phục được khán giả, chất giọng vang trong sáng đầy tươi mới: “Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm…” dường như người ta tìm thấy “xuân mười tám” trong từng câu hát, không có nhuốm màu của kỹ thuật ca hát như các ca sỹ trẻ bây giờ . Khi tập luyện cho live show “Thanh Tùng – Một mình” (2008) tại Hà Nội, Bống đã ngẫu hứng nhảy lên sân khấu để hát “Lời tỏ tình của mùa xuân” cùng ca sỹ Phương Linh.


Hồng Nhung bắt đầu ghi dấu ấn đặc biệt với âm nhạc Thanh Tùng với ca khúc “Giọt sương trên mi mắt” qua bản phối đậm chất Jazz Rock của nhạc sỹ Vĩnh Tâm. Năm 1994, trong chương trình “Tình ca 19” tại Nhà hát Hòa Bình, bản phối tuyệt vời đã giúp Hồng Nhung đã thỏa sức bùng nổ để rồi nhận được những tràng pháo tay không dứt. Từ đó, “Giọt sương trên mi mắt” trở thành một trong những ca khúc đỉnh cao trong sự nghiệp Hồng Nhung đến tận bây giờ vẫn được yêu thích nồng nhiệt. Ca khúc liên tục lọt vào Topten Làn sóng xanh 1997, giải Top ten ca nhạc 97 của VTV3 và nhiều bảng xếp hạng âm nhạc bấy giờ.


“Giọt sương trên mi mắt”được Thanh Tùng sáng tác năm 1987 dành tặng cho cô con gái của ông. Bản phối theo phong cách Rock đã tạo được một mảnh đất tốt để giọng Hồng Nhung phát huy được hết thế mạnh giọng hát với độ bốc, vang, khỏe, nồng nàn và đầy ngẫu hứng…những cung bậc cảm xúc được chuyển biến liên tục, dù hát về “giọt nước mắt” của người con gái bắt đầu biết yêu và đã biết khổ đau với những buồn vui trong cuộc sống, qua cách thể hiện của Hồng Nhung, bài hát được khoắc lên mình một niềm vui, lạc quan, tự tin và mang sức trẻ thời đại.


Hồng Nhung hát đã cả ngàn lần ca khúc này trên các sân khấu lớn, nhỏ suốt gần 20 năm qua nhưng mỗi lần vang lên lại thấy được sự mới mẻ và nồng nàn. Sự trải nghiệm của người hát vẫn không làm mất đi sự tự nhiên, trong sáng của ca khúc. Bản phối và cách xử lý của Hồng Nhung trong “Giọt sương trên mi mắt” đã trở tác phẩm “kinh điển” của nhạc nhẹ Việt Nam.

…..Hồng Nhung hồn nhiên hát với chú ve con…

Bao thế hệ người yêu thích Hồng Nhung vẫn còn lưu giữ trong ký ức của mình với hình ảnh “Cô bé vô tư” ngồi trong chiếc giầy khổng lồ hát:  “Đừng yêu em anh nhé, em muốn làm con dế vô tư…” (Trần Tiến) trên truyền hình và hình ảnh cô ca sỹ nhỏ bé, rộn ràng trên sân khấu “Duyên dáng Việt Nam 2” cùng “Hát với chú ve con” của Thanh Tùng.

Trong đêm nhạc “Thanh Tùng – Lối cũ ta về” (2011), Hồng Nhung đã hát lại ca khúc với niềm say mê lạ kỳ, niềm tin yêu vào cuộc sống, sự hồn nhiên vẫn hiện diện trong từng câu hát, bước nhún nhảy: “Đừng mang trong lời ca những nỗi ưu phiền, đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn này chú ve bé con…”. Bài hát được nhạc sỹ viết năm 1984 tặng một cô gái rất đẹp nhưng có số phận bất hạnh, hãy lạc quan, yêu đời là lời nhắn nhủ cho cô gái cũng như bao người trong cuộc sống. Hồng Nhung cũng coi mình như “chú ve con” đi hát và mang niềm vui đến cho mọi người.

Nhạc sỹ Dương Thụ luôn muốn Hồng Nhung giữ được chất “Bống” trong sáng, thơ ngây dù ở bất cứ độ tuổi nào, ông nói: “Hồng Nhung giữ được nó mới làm nghệ thuật đích thực được”. Đêm nhạc “Thanh Tùng – Lối cũ ta về” (2011) chất “Bống” mang bản sắc riêng đã được hiện diện trở lại, khán giả dành cho chị những tràng pháo tay không dứt với sự tươi trẻ, yêu đời nhưng vẫn lột tả được nỗi buồn man mác, cô đơn trong chất nhạc Thanh Tùng.

Ai có thể nghĩ người đàn bà trên sân khấu kia đã có 25 năm ca hát chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích Hồng Nhung với hình ảnh luôn tươi mới, hiện đại và hồn nhiên cũng như hình ảnh của một Thanh Lam bốc lửa, ngùn ngụt thiêu cháy tất cả ở hiện tại. Âm nhạc thật cá tính bao giờ cũng có sự phân luồng khán giả, Thanh Lam – Hồng Nhung là hai hình tượng đối lập, đã 15 năm rồi hai vị trí cao nhất trong làng nhạc nhẹ vẫn thuộc về họ, bất chấp sự thăng trầm của nhiều tài năng khác.

Ca khúc  “Một thoáng quê hương” của Thanh Tùng viết cùng nhạc sỹ Từ Huy cho cuộc thi “Hoa hậu Áo dài Việt Nam” được tổ chức lần đầu tiên năm 1989, Hồng Nhung ít hát trên sân khấu nhưng bản thu âm của hãng Diahavina cách đây 17 năm với kỹ thuật thu âm chưa hiện đại nhưng vẫn được Đài truyền hình Việt Nam sử dụng cho nhiều chương trình  trực tiếp. Chất giọng trẻ trung của Hồng Nhung đã đem lại một không khí rất đặc biệt cho bài hát,  khi các cô gái vận động viên ngoại quốc tham dự  “Cúp bóng chuyền nữ quốc tế VTV” mặc áo dài trình diễn trên nền nhạc của “Một thoáng quê hương” do Hồng Nhung thể hiện, người xem không khỏi tự hào, thú vị về chiếc áo dài mang bản sắc quê hương: “Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…”. Bản thu cũng được đưa vào album “Hồng Nhung – Nỗi nhớ mây xưa” do Dihavina phát hành.

…Hồng Nhung  – Người đàn bà hát  Một mình…

Năm 1996, khi nhạc trẻ lên ngôi ở Việt Nam, Hồng Nhung bắt đầu chiếm lĩnh những đỉnh cao trong nghệ thuật với hàng loạt album và 2 live show xuyên Việt gây được tiếng vang lớn: “Hồng Nhung – Bống bồng ơi” (1997) và “Hồng Nhung – Bài hát ru 99” (1999). Hồng Nhung đĩnh đạc với vị trí của một diva nhạc Pop, trong thời gian này Hồng Nhung đã làm mưa gió các sân khấu với “Một mình” của Thanh Tùng. Đây là một bản Pop ballad nồng nàn và xúc động. Nhạc sỹ Thanh Tùng từng chia sẻ: “Với tôi, nhạc Pop nhất định phải hát bằng giọng chuẩn Hà Nội  nên thường viết bằng giọng Hà Nội. Có nhiều ca khúc mang hình ảnh Hà Nội vì đơn giản tôi viết về Hà Nội”. Có lẽ đây cũng lợi thế về chuyên môn của cô Bống Hà Thành khi hát những ca khúc của Thanh Tùng.

Untitled 12

“Một mình”là ca khúc ông viết cho chương trình xuyên Việt “Thanh Tùng – Lối cũ ta về” năm 1998. Hồng Nhung nhớ lại: “Khi ông viết bài Một mình, tôi là người đầu tiên ông đưa nhạc phẩm này. Bản thảo khi ấy vừa xong, vẫn còn nhiều gạch xóa. Ông bảo: “Bống hát bài này đi”. Tôi vỡ bài ở nhà.”. Hình ảnh Hồng Nhung ngồi bên bậc thềm sân khấu của “Lối cũ ta về” ngân nga: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên, mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên…”, nhạc sỹ ra sân khấu tặng hoa  rồi cùng hòa giọng với Hồng Nhung và Tam ca con gái, gây xúc động đối với hàng triệu khán giả truyền hình khi chương trình được phát sóng và bài hát đã trở thành HIT ngay lập tức và gần như tất cả các ca sỹ nữ bấy giờ đều hát và thu âm ca khúc này nhưng không ai có thể tạo ấn tượng mạnh hơn người “nhóm lửa” cho ca khúc. Đặc biệt nhất là phần trình diễn đấy ám ảnh của Hồng Nhung trong Duyên dáng Việt Nam 7 (1998) đã đưa “Một mình” đạt đến đỉnh cao và đóng đinh tên tuổi của chị.

doahoavothuong7893

“Một mình”đã khám phá ra một hình ảnh Hồng Nhung mới trong âm nhạc Thanh Tùng. Bằng sự mẫn cảm của đàn bà, Hồng Nhung thấu hiểu hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, nỗi cô đơn, tình yêu của người nhạc sỹ khi nhớ về người vợ đã mất của mình,  chị hóa thân trọn vẹn vào từng lời ca, giai điệu. Hồng Nhung đã đi đến tận cùng của nỗi đau, niềm nhớ nhung nhưng lại vẫn giữ được sự lạc quan, không bi lụy. Khán giả Đỗ Nguyễn  (Quy Nhơn) cùng cảnh ngộ giống nhạc sỹ  Thanh Tùng đã tâm sự trên Thanh Niên Bán Nguyện San: “Có vài ca sỹ hát Một mình nhưng tôi chỉ chọn duy nhất: “Hồng Nhung. Tôi không biết Hồng Nhung đã trải qua nỗi bất hạnh này chưa, mà sao Hồng Nhung hát thấm đẫm nỗi buồn đau của sự biệt ly, mà sao ngậm ngùi và quay quắt đến thế, như từ tâm tình của chính mình. Tôi đã ứa nước mắt khi nghe Hồng Nhung hát và hiểu rằng, người ca sỹ này đã đồng cảm biết bao với những nỗi niềm của nhạc sỹ Thanh Tùng, khi ngân nga thật tha thiết: …Đêm nay tôi lại một mình, nhớ em…”.

TCSnVIPs068

            Hồng Nhung vẫn còn nhớ kỷ niệm: “Khán giả đầu tiên của Một mình là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi hát thử ở nhà Trịnh Công Sơn vào một buổi trưa. Khi tôi hát xong, nhạc sỹ Thanh Tùng bảo: Bống hát bài này hay quá!”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất xúc động, khen là “bài hát Thanh Tùng sáng tác rất hay” và yêu cầu Hồng Nhung hát lại lần nữa. Đã 13 năm Hồng Nhung hát “Một mình”, mỗi lần hát chị đều tạo được những rung cảm mới cho người xem. Nhà báo Hồng Hà (An ninh thủ đô) khi nghe Hồng Nhung hát lại “Một mình” trong live show “Một mình” (2008) tại Hà Nội đã chia sẻ: “…Người hóa thân vào nỗi nhớ ngẩn ngơ dài cả thập kỷ trong “Một mình” là cô Bống Hồng Nhung. Khán phòng như lặng đi nghe Hồng Nhung ngân nga niềm nhớ, nhấn nhá từng chữ, từng lời “đêm – nay – tôi – lại – một – mình”. Là người đầu tiên thể hiện ngay khi ca khúc mới ra đời, cũng là người duy nhất chạm đến cõi tận cùng tâm hồn của người nhạc sỹ, Hồng Nhung cận kề tuổi 40 vẫn trẻ trung như Hồng Nhung 28 năm nào, nhưng cảm xúc sân khấu thì sâu lắng và tinh tế đến độ như rót vào lòng người nghe…”.

……Ai mang cho tôi một tình yêu, một tình yêu thật là nhỏ thôi…

Năm 1998, khán giả của Đêm nhạc “Lối cũ ta về” ngày ấy còn nhớ đến ca khúc mới tinh là “Trái tim hoang vu” mà ông vừa viết xong, khi đó Ngọc Châu ra sân khấu hát còn phải cầm cả giấy. Sau chương trình, Hồng Nhung đã thu âm “Trái tim hoang vu” trong album “Ru tình” và biểu diễn trong chương trình xuyên Việt “Hồng Nhung – Bài hát ru 99”, Dòng thời gian…ca khúc  trở thành một bản HIT của Hồng Nhung, được khán trẻ rất yêu thích trong khoảng thời gian 1999 – 2002.


Hồng Nhung  là người có duyên với những ca khúc mới của Thanh Tùng. Nhiều khán giả vẫn giữ lại những ký ức, cảm xúc tuyệt đẹp trong một chương trình ca nhạc trực tiếp của Đài truyền hình Cần Thơ năm 2002, khi đó nhạc sỹ Thanh Tùng vừa mới hoàn thành bài “Giờ ta biết yêu em” (Sau đổi tên thành Lời chim đỗ quyên), Hồng Nhung tập với bản phối nhanh cho kịp chương trình để hát cùng Một mình và Giọt sương trên mi mắt.

Giờ ta biết yêu em

…..Thanh Tùng…

Ai mang cho tôi một tình yêu ?
Một tình yêu thật là nhỏ thôi
Như ban mai trên đầu ngọn cỏ
Long lanh, long lanh một giọt sương rơi.

Em mang theo đi một tình yêu
Ngọn cỏ khô còn lại đìu hiu
Ta mong mưa rơi giăng đầy đường nhỏ
Vội vàng, vội vàng bước chân em về

Giờ ta biết yêu em
Ta biết mong sao cho đời bình yên ?
Để mỗi sớm nghe lời chim Đỗ Quyên
Gọi nhau líu lo trong sân nhà bên

Giờ ta biết yêu em
Dẫu vẫn biết không là lần đầu tiên
Biết không là lần đầu tiên
Mà sao nhớ em, nhớ em vô cùng.

      Giọng Hồng Nhung bắt đầu chậm rãi, tha thiết: “Ai mang cho tôi một tình yêu, một tình yêu thật là nhỏ thôi…Em mang theo đi một tình yêu, ngọn cỏ khô còn lại đìu hiu” rồi cao vút, trong vắt, nồng nàn với điệp khúc: “Giờ ta biết yêu em, ta biết mong sao cho đời bình yên..”,  cảm giác cô đơn “tồi tội” của một tình yêu trong sáng và thánh thiện, khiến người nghe nao lòng, xúc động vô cùng. Dường như ca khúc được viết để dành riêng cho giọng hát Bống, sau đó được rất nhiều người yêu và thuộc ngay giai điệu, lời ca. Đó là lần duy nhất Hồng Nhung hát ca khúc này, năm 2008  trong danh sách bài hát quảng bá, nhạc sỹ có biên tập lại cho Hồng Nhung hát trong live show “Một mình”  nhưng phút chót Hồng Nhung chỉ thể hiện lại hai đỉnh cao “Một mình”“Giọt sương trên mi mắt”. Dường như “Lời chim đỗ quyên” vẫn là nàng công chúa ngủ trong rừng cần một giọng hát “duyên nợ” như Hồng Nhung đánh thức để tỏa sáng.

          Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét: “Nhạc của Thanh Tùng đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi cho người khác”. Không ít lần trong các buổi tập cho các đêm nhạc của mình, nhạc sỹ Thanh Tùng luôn nhắc nhở ca sỹ: “Tình cảm bài này không phải vậy, buồn nhưng phải lạc quan lên chứ”. Nghe Hồng Nhung hát các ca khúc Thanh Tùng dù là rộn ràng hay trầm lắng, người nghe vẫn cảm nhận được sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và tình yêu.

            Thanh Tùng luôn là người thầy khó tính đối với các ca sỹ. Hồng Nhung, Thanh Lam khi bước vào nghề  được ông coi là những học trò nhỏ của mình, ông chỉ dẫn cho họ những kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Nhìn Thanh Tùng tất bật chạy ra, chạy vào đôn đốc, chỉ huy các ca sỹ trong đêm nhạc “Thanh Tùng – Trò chuyện với hoa hồng” (2005) mới thấy được sự tận tụy và hết lòng vì nghệ thuật của ông. Còn nhớ, trong chương trình “Khách mời của VTV3” (1998), khi Hồng Nhung đang hát “Hoa tím ngoài sân” ông còn ra tận sân khấu để thì thầm bảo Hồng Nhung hướng mic xuống sân khấu để bắt nhịp khán giả cùng hát phần điệp khúc nhưng âm nhạc quá lớn Hồng Nhung nghe không rõ.

………

         Nhạc sỹ Thanh Tùng vốn là một người bạn thân thiết của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong nhóm nhạc sỹ  “Những người bạn”. Mỗi khi có chuyện gì cần chia sẻ là Thanh Tùng gọi điện ngay cho Trịnh Công Sơn dù bất cứ thời gian nào trong ngày, Thanh Tùng nhớ lại: “Có lần tôi gọi điện cho anh Trịnh Công Sơn vào lúc 2 giờ sáng, kể cho anh ấy nghe về câu chuyện buồn của mình với bài hát vừa sáng tác. Anh Sơn cười: “Đêm hôm đánh thức người khác, không ngủ được thì đặt luôn bài hát đó là “Trái tim không ngủ yên”.

20110416133921_IMG_7392

  Hồng Nhung sau khi chuyển vào Sài Gòn sống, chị gặp gỡ nhạc sỹ Thanh Tùng thường xuyên hơn và những cuộc trò chuyện, làm việc cùng nhạc sỹ giúp chị hiểu và thể hiện những ca khúc của ông ngày càng sâu sắc. Những ngày ra Hà Nội để tham gia live show “Lối cũ ta về” (2011), Hồng Nhung và các nghệ sỹ rất lo lắng cho sức khỏe nhạc sỹ và ông không thể xuất hiện trong đêm nhạc, chị tâm sự: “Hay tin ông bệnh, mọi người rất buồn và dốc hết tâm tư của mình cho ca khúc, khiến bài hát lại mang theo niềm vui trong sáng, lạc quan hơn”, có thể vì tình cảm trân trọng và yêu quý dành cho nhạc sỹ đã giúp Hồng Nhung thăng hoa cảm xúc trong 3 ca khúc “Một mình”, “Giọt sương trên mi mắt”“Hát với chú ve con”, Hồng Nhung là nghệ sỹ  được khán giả cổ vũ nồng nhiệt nhất chương trình.

…………………………

            Âm nhạc Thanh Tùng gắn bó với Hồng Nhung từ những ngày đầu trên sân khấu chuyên nghiệp và đến giờ nhiều ca khúc của ông vẫn là những dấu son đậm nét trên chặng đường 25 ca hát chuyên nghiệp của Bống. Hình ảnh “Người đàn bà trẻ thơ” hát nhạc Thanh Tùng sẽ tiếp tục tỏa sáng trong trái tim người yêu nhạc Thanh Tùng. Không gian của công viên âm nhạc Thanh Tùng vẫn còn chờ Bống tiếp tục khai phá vẻ đẹp trong những tình khúc chị đã từng và chưa từng thể hiện.

Mạnh Hải (11/2010)

         Chú thích: Bài viết sử dụng nhiều tư liệu hình ảnh, video clip và thông tin được khai thác trong các bài báo viết và phỏng vấn liên quan đến nhạc sỹ Thanh Tùng và ca sỹ Hồng Nhung. Bài viết là tiếp nối loạt bài gồm 10  kỳ, về những người đồng hành và gắn bó với Hồng Nhung trong suốt hơn 25 năm ca hát chuyên nghiệp đã được đăng tải trong năm 2010. Kỳ 7 sắp tới, sẽ là một nhân vật rất đặc biệt, người đồng hành, giúp đỡ Hồng Nhung trên chặng đường đầu tiên của ca hát chuyên nghiệp và trở thành một “cặp đôi” song ca rất đẹp và nổi tiếng  trên sân khấu ca nhạc cuối thập niên 80. (Blog sẽ đăng tải tiếp 4 kỳ, làm trọn 10 kỳ chuyên đề kỷ niệm 25 năm ca hát chuyên nghiệp của Hồng Nhung)



Bình luận về bài viết này