Kỳ 4: VHS “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” – Thanh xuân của hàng triệu khán giả truyền hình

Năm 1991, chương trình ca nhạc “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” lên sóng đã tạo nên hiện tượng đặc biệt đối với khán giả truyền hình, hình ảnh cô ca sĩ “răng khểnh” ngồi hát trong chiếc giầy khổng lồ với giọng hát trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên đã trở thành ký ức thanh xuân tươi đẹp của hàng triệu khán giả truyền hình.

Untitled 12

Cuối thập niên 80 (thế kỷ XX), Hồng Nhung là một trong hai ca sĩ trẻ nổi bật nhất làng nhạc nhẹ phía Bắc (cùng với Thanh Lam), tạo được tiếng vang lớn trên các sân khấu ca nhạc toàn quốc với 3 bản HIT đình đám: Papa (Paul Anka), Lời của gió (Duy Thái), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), album “Tiếng hát Hồng Nhung” phát hành năm 1988 được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Năm 1991, báo giới trong nước đồng loạt đưa tin về việc di trú của họa mi Hà Nội vào phương Nam nắng gió, Hồng Nhung nhanh chóng gia nhập Đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn, đại diện tham gia cuộc thi “Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc 1991” tại Hà Nội, chị đoạt giải Nhất cùng ca sĩ Mỹ Hạnh. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ Truyền hình Cần Thơ đã sản xuất chương trình “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” để phát sóng truyền hình và in băng video (VHS) bán thương mại trên toàn quốc. Trước khi kết duyên với âm nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung đã có một khoảng thời gian ngắn tìm lối “hội nhập” với trào lưu âm nhạc đang thịnh hành tại Sài Gòn, chị hát “Nắng chiều” (Lê Trọng Nguyễn), “Tình khúc chiều mưa” (Nguyễn Ánh 9)…trong nhiều cuốn băng liên khúc với sự góp mặt của các danh ca hàng đầu làng nhạc phía Nam, nếu được nghe lại những bản ghi âm này khán giả sẽ rất thích thú bởi sự phóng khoáng, trẻ trung đầy hấp dẫn trong giọng hát của Hồng Nhung khiến người ta tin rằng không gặp Trịnh Công Sơn thì Hồng Nhung sẽ vẫn rất nổi tiếng với phong cách âm nhạc khác.

Năm 1997, Hồng Nhung đã tạo ra ý kiến trái chiều về việc tự viết kịch bản cho Live show xuyên Việt mang tên “Hồng Nhung – Bống bồng ơi”, không ít bài báo tranh luận quyết liệt có khen, có chê về việc lần đầu tiên ở Việt Nam có một ngôi sao nhạc nhẹ tự làm MC cho chính live show riêng của mình với những câu chuyện dẫn dắt bài bản, phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật xuyên suốt của chương trình. Đến nay, cách làm này lại trở thành trào lưu thịnh hành, không còn nhiều ca sĩ mời MC cho live show riêng hoặc xếp lượt ra hát như trước, mỗi người nghệ sĩ trở nên chuyên nghiệp hơn trên sân khấu khi tự tin giới thiệu bài hát, dẫn dắt, giao lưu, chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của mình với khán giả.

This slideshow requires JavaScript.

Trước đó, tư duy nghệ thuật khác biệt của Hồng Nhung đã sớm thể hiện ngay từ chương trình “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” với những đoạn phỏng vấn ngắn hay các đoạn dẫn dắt đan xen giữa 06 ca khúc trong tổng thể kịch bản chặt chẽ với thông điệp ý nghĩa, triết lý nhân văn, sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống.

Untitled 11

Mở đầu băng nhạc là ca khúc chủ đề “Cô bé vô tư” của Trần Tiến, tưởng chừng bài hát được tác giả viết dành cho Hồng Nhung, sự yêu đời, trong sáng của cô bé mới lớn được Bống lột tả xuất sắc, ấn tượng nhất là hình ảnh Hồng Nhung ngồi trong chiếc giầy khổng lồ ngân nga: “Đừng yêu em anh nhé, em không làm người lớn đâu anh….em vẫn còn bé lắm anh ơi….em muốn làm con dế vô tư hát lang thang…Người lớn chỉ có lo toan, muộn phiền, tuổi già vội đến mà thôi”. Hồng Nhung chia sẻ: “Hồng Nhung thích bài cô bé vô tư vì như tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong bài hát này, một tuổi thơ sống vô tư đầy ắp những kỷ niệm và những hạnh phúc nho nhỏ quanh mình”. Ca khúc “Cô bé vô tư” nổi tiếng khắp cả nước trên sóng đài tiếng nói và truyền hình với 4 bản thu khác nhau, năm 1996 nhạc sĩ Nguyễn Hà đã hòa âm mới cho Hồng Nhung thu âm lại trong băng nhạc “Tạm biệt chim én” với giọng hát “người lớn” đang ở thời kỳ đỉnh cao. Ngày ấy, nickname “Cô bé vô tư” trở thành tên gọi khác của Hồng Nhung, nổi tiếng không kém tên gọi thân mật “Bống”.

This slideshow requires JavaScript.

Untitled 9

Với một tinh thần tươi trẻ, đầy hoài bão, khát khao của một nghệ sĩ trẻ, Hồng Nhung đã thổi luồng gió mới cho ca khúc “Trẻ mãi” (Ca khúc nhạc ngoại Forever young), Hồng Nhung rực rỡ trên sân khấu, giản dị trong phòng thu được đạo diễn Trần Kiên lựa chọn làm bối cảnh chính để quay hình cùng với lồng ghép những hình ảnh Hồng Nhung trên báo chí. Hòa nhịp cùng “Trẻ mãi” là giai điệu sôi nổi, vui tươi của “Mặt trời êm dịu” (Dương Thụ), cái chất “ngây thơ” vốn là đỉnh nút cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật của Dương Thụ được Hồng Nhung lột tả nhẹ nhàng như bấc.

Untitled 7

Giữa những niềm vui, hân hoan, Hồng Nhung khiến cảm xúc khán giả trùng xuống với ca khúc “Kỷ niệm buồn” (Bài hát Nhật Bản, ở Việt Nam nổi tiếng với lời Việt mang tên “Tàn tro”), đó là câu chuyện buồn của cô gái lần đầu biết yêu mà phải xa người yêu, Hồng Nhung tâm sự: “Nỗi buồn thường đến với Hồng Nhung những lúc ngồi một mình, song theo Hồng Nhung nếu không cảm nhận được nỗi buồn thì thật khó để thấy được đầy đủ giá trị của niềm vui”.

Untitled 2

“Tư chất và tài năng của con người không phải tự nhiên mà có, nó phải được rèn luyện và tích lũy qua nhiều tháng năm gian khổ, tựa như những hạt mưa nhỏ thấm sâu vào lòng đất tạo thành những con suối, những con suối tạo thành những dòng sông, và nhiều con sông tạo nên biển cả và đã là biển thì không thể không có sóng” đó là lời dẫn của Thanh Bạch cho ca khúc “Ru em bằng tiếng sóng” của Dương Thụ đã vẽ lên tâm thế sống và sáng tạo nghệ thuật của Hồng Nhung. Bống đã hát rất hay câu hát kết: “Tiếng sóng biển khát khao, khát tình yêu trong sáng”.

Untitled 5

Không chỉ thành công với “Lời của gió”, Hồng Nhung ghi đậm dấu ấn với âm nhạc Duy Thái qua ca khúc “Hãy đến với em, “Tình yêu đầu tiên”, ca khúc “Tình yêu đầu tiên” kết băng nhạc “Cô bé vô tư” với giai điệu sôi động, ngập tràn niềm sự yêu đời, hồn nhiên, Hồng Nhung đã đem đến nhịp điệu của dance làm rung rinh, tan chảy trái tim của người nghe. Và câu hỏi cuối cùng của MC Thanh Bạch: “Theo Hồng Nhung tình yêu là gì?”, chị đã trả lời rằng: “Hồng Nhung vẫn mường tượng tình yêu như một bức tranh mà mỗi một lần ngắm nó ta lại khám phá ra một điều bí ẩn” và bỏ ngỏ câu hỏi: “Thế Hồng Nhung đã có bức tranh ấy chưa?”.

Sự thành công của chương trình “Cô bé vô tư” phải kể đến tài năng của đạo diễn Trần Kiên, MC Thanh Bạch cùng êkip thực hiện, những hình ảnh đẹp, sống động tái hiện thời kỳ đất nước đang trong giai đoạn đổi mới còn nhiều vất vả, khó khăn, khi đó không thể thiếu đi món ăn tinh thần âm nhạc, ít nhiều “Cô bé vô tư” đã mang được thông điệp về sự lạc quan, yêu đời, niềm vui đến cho khán giả. Với tâm hồn nghệ sỹ trong sáng và niềm đam mê cháy bỏng thực sự là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo không ngừng của Hồng Nhung trong những dự án nghệ thuật.

Mạnh Hải 

 

Bình luận về bài viết này