Hồng Nhung tổ chức live stream “rất to” mừng sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tối ngày 28.02.2024, Hồng Nhung làm không ít khán giả bất ngờ khi huy động cả một êkip chuyên nghiệp hỗ trợ cho buổi live stream tại chính căn nhà của chị ở Sài Gòn (Bống hay gọi là Chez Hồng Nhung). Buổi trò chuyện và hát nhạc Trịnh Công Sơn của Bống vào chính ngày sinh nhật của nhạc sĩ mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả.

Hồng Nhung xuất hiện đầy “nghiêm túc” nhưng rất đỗi trẻ trung, đáng yêu trong tà áo dài truyền thống màu hồng được thiết kế riêng cho buổi live stream theo phong cách rất xưa nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng, mới mẻ. Ngẫm thấy ông đạo diễn Lê Hoàng nói không có ngoa là “Hồng Nhung luôn làm khán giả chết lặng đi vì bất ngờ”, dù biết Bống vốn kỹ tính, cầu toàn nhưng việc chị biến buổi live stream tưởng chừng “cây nhà lá vườn như mọi lần” thành một Talk show có kịch bản hẳn hoi, rất chuyên nghiệp. Khán giả phát hiện ra sự “bất thường” ngay khi ca khúc live “Bống bồng ơi” được cất lên cùng tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Hoài Sa, âm thanh quá hay “như ở nhà hát” và cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ nhanh chóng tiết lộ là chị có cả êkip hùng hậu hỗ trợ phía sau.

Bống có nhiều lý do để tổ chức live stream “rất to”, trước hết vì muốn mừng sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dành tình cảm trân trọng đối với người nhạc sĩ gọi Bống là “người quá gần gũi, không biết gọi là ai?”, rồi kết hợp cả sự kiện ra mắt phiên bản Digital cho album Trịnh Công Sơn – Bống là ai? trên các nền tảng nhạc số vào đúng 0 giờ 00 phút ngày 28/02/2024.

Những câu chuyện liên quan đến dự án âm nhạc lớn nhất của Hồng Nhung trong năm 2023 “Bống là ai?” được chia sẻ thật thú vị, ấm áp. Ánh mắt chị vẫn vui tươi, lấp lánh khi nhắc đến những kỷ niệm gắn với dự án, đó là những ngày thu âm đĩa than nhạc Trịnh – Bống là ai? tại phòng thu nổi tiếng ở nước Pháp cùng các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và quá trình tổ chức live show nhạc Trịnh Công Sơn – Bống là ai ? tại Nhà hát lớn Hà Nội hồi tháng 3 năm ngoái.

Với dự án âm nhạc “Bống là ai?” thành công rực rỡ, Hồng Nhung đã hoàn thành ước nguyện, mong muốn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông muốn Hồng Nhung làm một album nhạc Trịnh phong cách Blues-Jazz mang âm hưởng văn hóa Pháp. Theo tư liệu báo chí, năm 1994, Hồng Nhung đã bắt tay thu âm album nhạc theo phong cách Jazz mang tên “Bống là ai?” nhưng không được ra mắt (nhạc sĩ Đức Trí là người phối khí, thu thanh vẫn còn giữ băng thu âm “Bống là ai ?” anh từng chia sẻ một số đoạn thu Sóng về đâu, Vết lăn trầm rất hay).

 Trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Tạp chí Điện Ảnh TP. HCM số 176, phát hành ngày 01.12.1993, khi được hỏi: “Ca sĩ trẻ nào hát nhạc của chú hay nhất ?” , Trịnh Công Sơn trả lời: “Là Hồng Nhung trong băng nhạc sắp tới” (băng nhạc Bống bồng ơi!).

Nghe Bống hát Bống bồng ơi, Như cánh vạc bay, Người con gái Việt Nam da vàng, Cuối cùng cho một tình yêu trong chương trình live stream tối 28.02 mới thấy hết tình yêu của chị dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, cách chị hát và kể chuyện vẫn rất đỗi nữ tính, duyên dáng, lôi cuốn mang “vẻ đẹp giản đơn” nhưng thật sâu sắc, khó quên.

Cuối buổi live stream Hồng Nhung hài hước “nhắn nhủ” nhạc sĩ Hoài Sa, đạo diễn Cao Trung Hiếu tập trung làm các dự án âm nhạc “phải vội lên không có chị già mất”. Người viết thì nhớ mãi câu nói của chị Bống rằng: “Chị không bao giờ nghỉ hát, chỉ trừ khi sức khỏe không cho phép”. Chợt nhớ Bống mới đoạt giải thưởng “Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng” trong chương trình truyền hình thực tế cùng tên, khán giả bất ngờ bởi cá Bống ở Hồ Tây nhỏ nhoi mà đạp gió, rẽ sóng ra biển lớn mạnh mẽ đến vậy. Hạnh phúc giản đơn, sống và sáng tạo như Bống…..

Mạnh Hải (Ảnh minh họa: Tự chụp bộ sưu tập và lấy từ FB Nhà Bống)

Ca sĩ trẻ Hồng Nhung: “Em muốn giữ đúng chất của mình!”

Hà Nội những ngày cuối năm lại được nghe tiếng hát của Hồng Nhung – con chim sơn ca của thành phố. Sau cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc, tháng 10/1991 Hồng Nhung trở lại Thủ đô như trở về mái nhà thân thương của mình. Cô ca sĩ 21 tuổi đêm đêm vẫn cất tiếng hát ở Cung Việt-Xô cho “khán giả lý tưởng” của em nghe. Em hát về mùa thu Hà Nội, về những đường phố thơm mùi hoa sữa, về cây bàng mùa đông lưu dấu kỷ niệm một thời trẻ nhỏ, về một chút yên lặng đến sâu thẳm trong bài “Im lặng đêm Hà Nội” của nhạc sĩ Phú Quang.

Hiện giờ khán giả chú ý đến ba ca sĩ Thanh Lam, Thùy Dung và Hồng Nhung. Họ đều ở độ tuổi 20 và thích hát về tuổi trẻ của mình. Nếu như ở Thanh Lam ăm ắp chất nghệ sĩ, Thùy Dung nhẹ nhàng, thanh lịch thì Hồng Nhung ngày một đằm sâu, tinh tế và dày dạn kinh nghiệm. Điều này được minh chứng khi em xuất hiện trong bộ đồ trắng và đứng tĩnh trên sân khấu mà tâm sự cùng bài “Nothing compares 2 U” (Không gì sánh nổi với anh). Hồng Nhung muốn để cho lời ca và giai điệu của bài hát tự chinh phục khán giả. Và nữa, việc lựa chọn bài hát còn bộc lộ cá tính của Hồng Nhung – muốn thể hiện một kiểu độc đáo, kỹ thuật phức tạp, không dễ gì các ca sĩ khác có thể đạt hiệu quả được. Nhung nói: “Bây giờ em đã qua cái tuổi nhí nhảnh và chỉ thích hát những giai điệu, ca khúc mang nhiều tâm trạng”.

Người xem ngày càng nhận thấy một Hồng Nhung không thể lẫn với ai. Trên sân khấu, cô gái trẻ ấy ý thức được từ tư thế đứng, dáng đi và nét mặt, đặc biệt không thích nhảy nhót tùy tiện và ăn vận kín đáo, lịch sự. Nếu như trong đời ca sĩ cần có một giải quốc gia thì Hồng Nhung đã có. Thế nhưng, trong cuộc thi vừa qua, Nhung ra thi vì …nhớ Hà Nội quá. Đơn giản vậy thôi. Với Hồng Nhung từ nay trở đi là một quá trình tìm tòi và đổi mới về chất. Có thể em còn quá trẻ khi em trình bày quan niệm ca nhạc của mình qua ca khúc Việt Nam và thế giới mà em chọn. Thế nhưng bằng tuổi Nhung, nhiều ca sĩ quốc tế đã thành đạt và tài năng vượt ra khỏi biên giới quốc gia của mình. Mong muốn Hồng Nhung và những ca sĩ trẻ tài năng khác cũng được như vậy. Cuốn album ca nhạc 91 với cái tên “Sao anh không đến” đã ghi nhận bước chuyển biến rõ rệt của cô ca sĩ trẻ này.

Mùa xuân đang đến từ phía trước, hàng đêm khán giả thủ đô vẫn tới xem và để nghe tiếng hát của cô bé Hà Nội. Cô bé mà không còn bé nữa, vả chăng vì Hồng Nhung đã biết chọn và thể hiện mình qua bài hát “Không gì sánh nổi với anh” (Nothing compares 2 U).

Lê Duy (Màn ảnh Sân khấu – Số 2/92  Xuân 1992)

Giải thưởng chuyên nghiệp thời kỳ khởi nghiệp của Hồng Nhung:

  • Năm 1985 (15 tuổi): Huy chương vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ tư tổ chức tại Hải Phòng với các ca khúc Diều ơi cho em bay (Nguyễn Cường), Papa (nhạc Ngoại).
  • Năm 1987 (17 tuổi): Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội với các ca khúc “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp), Bài thơ biển (Văn Thành Nho), Papa (nhạc Ngoại).
  • Năm 1991 (21 tuổi): Giải nhất cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Nội với các ca khúc Hãy đến với em (Duy Thái), Vì sao anh không đến (Từ Huy), Nothing compares 2 U (nhạc Ngoại).

HỒNG NHUNG – Bài ca và năm tháng (Bài viết xuất bản năm 1994)

Trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình, chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau phần biểu diễn của mình kể rằng: “Có một bà mẹ trẻ ở phía Bắc, trong những ngày thai ghén thường ra bên Hồ Tây (Hà Nội) câu lên những con cá bống nhỏ bé bằng chính sợi tóc dứt ra từ mái đầu của mình. Lúc sinh ra cô con gái bé nhỏ, bèn đặt tên con là Bống. Và bây giờ cô Bống sẽ hát một ca khúc của tôi mới sáng tác”…Hồng Nhung bước ra dưới ánh đèn, nụ cười trẻ trung với chiếc răng khểnh thật dễ thương: “Nắng vàng, nắng vàng ơi! Em đi đâu mà vội, mà vội nắng vàng nắng vàng ơi”…

Vóc dáng thanh mảnh mà giọng ca vang rền, sung mãn một làn hơi chuyên nghiệp. Kể từ năm 1991, đội ngũ ca sĩ TP. Hồ Chí Minh có thêm một ca sĩ đến từ phương Bắc và mau chóng hòa nhập trở thành ngôi sao nhỏ mà sức tỏa sáng thật dữ dội. Ngày đến “định cư” ở Sài Gòn Hồng Nhung vẫn chưa nhận mình đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp mà chỉ cho rằng “sống là để hát”. Cô bé “Bắc kỳ nho nhỏ” này hát từ hồi quàng khăn đỏ. 15 tuổi đã có huy chương vàng bằng ca khúc “Diều ơi cho em bay” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. 17 tuổi giành giải nhất cuộc thi hát “Giọng hát hay Hà Nội” và trở thành ca sĩ nhỏ tuổi nhất trong lịch sử đoàn Ca múa nhạc Trung ương.

Bước vào làng ca hát đúng vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ trong âm nhạc, dẫu được đào tạo bởi một giảng viên thanh nhạc chính quy – nghệ sĩ Mỹ Bình – Hồng Nhung vừa hát dân ca, vừa hát nhạc nhẹ, thể loại nào cũng nhẹ nhàng như hơi thở vậy. Dù ở ca khúc nhí nhảnh về chú Dế (Chú dế vô tư của Trần Tiến) hay tráng ca “Nhớ về Hà Nội” (của Hoàng Hiệp), Hồng Nhung đều có một lối biểu hiện thật trong sáng, mạnh mẽ. Âm vực rộng, sử dụng được cộng minh trong phát âm, âm sắc sáng, vang như tiếng kèn đồng. Thể hiện rất đạt những ca khúc mang chất hoành tráng.

Ở đoàn nhạc nhẹ Trung ương, Hồng Nhung đã đi diễn ở Lào, Thái Lan, Triều Tiên, CHDC Đức, Camphuchia, Irắc, Libi. Với đoàn ca nhạc nhạc nhẹ Sài gòn, Hồng Nhung đi hát ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong nhiều dịp, khả năng Anh ngữ của Hồng Nhung đã tạo điều kiện hòa nhập với khán giả thật mau.

Cho đến năm 1993 thật bất ngờ, Hồng Nhung chuyển sang hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cả ca khúc viết trước 1975 và ca khúc viết mới hôm nay: “Lặng lẽ nơi này”, “Em hãy ngủ đi”, “Hạ trắng”, “Bống bồng ơi”. Giai điệu nhạc của Trịnh Công Sơn đã có một thử thách lớn của thời gian, qua nhiều giọng ca lừng danh một thời. Giờ đây với giọng ca tươi trẻ, đầy nhiệt huyết, Hồng Nhung tưới lên giai điệu ấy một màu sắc mới, một hơi thở mới. Giống như dàn nhạc nhẹ của “Pôn” chơi lại những giai phẩm cổ điển, vừa bất ngờ, vừa gần gũi, lại thật mới mẻ và rồi quyến rũ như buổi ban đầu…

Nghe Hồng Nhung hát “Hạ trắng”, chữ “gọi nắng” không còn là sự “van nài” mà là “mời gọi”, là “lệnh”. Không gọi nắng úa ban chiều, mà gọi nắng sớm rực rỡ của buổi bình minh.

Trong những chương trình gần đây như: “Vì tài năng trẻ”, “Duyên dáng Việt Nam” giọng hát Hồng Nhung càng thêm chững chạc ở tuổi 24.

Đoạt giải nhất trong Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ II – 1991, từ ngày ấy đến nay Hồng Nhung đã có một bước tiến thật dài, nhiều ca khúc Hồng Nhung trình diễn trong video ca nhạc cho thấy Hồng Nhung không chỉ trẻ trung, nhí nhảnh mà còn là một ca sĩ chuyên nghiệp, điêu luyện thực thụ, một phong cách diễn đầy bản lĩnh, tự tin vào tiếng hát của chính mình.

Đứng vững trên sân khấu ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh, tạo được sự ngưỡng mộ trong khán giả trẻ, tưởng bấy nhiêu cũng đã đủ nói về Hồng Nhung.

Tác giả: Thế Hải (Trích từ cuốn sách “Nghệ sỹ trẻ” – Nhà xuất bản trẻ năm 1994)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về Mốt

“Tôi yêu thời trang, điều đó là có thật. Mốt chẳng có tội gì cả. Nó chỉ có tội là làm đẹp cho cuộc sống một cách vô tội.

Đừng ngăn cấm mốt vì mốt không làm hại ai cả. Chỉ có điều là nó hơi tốn kém. Tuy nhiên, mốt vẫn mở ra những cơ hội thuận tiện cho những người thích mốt.

Mốt có nhiều mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ở nước ngoài, nhất là ở châu Âu có đủ bốn mùa để theo mốt. Lỗi thời, nghĩa là đi ra ngoài quy luật của mốt thì buồn lắm. Thậm chí ở một vài nơi người ta xem kẻ không mặc đúng mốt trong mỗi mùa là nhà quê.

Mốt từ đâu mà đến. Ai nghĩ đến nó và khai sinh ra nó. Cuộc đời của mốt có bao nhiêu tuổi rồi. Có thể bắt đầu từ cuộc cách mạng thay đổi cách ăn mặc ở châu Âu từ những thế kỷ trước, sau đó qua Nhật Bản và tràn lan qua vùng châu Á Thái Bình Dương.

Tôi yêu mốt chỉ đơn giản vì nó mang lại một vẻ đẹp cho con người. Bất cứ ai sống trong đời này cũng muốn mình đẹp. Vậy thì mỗi người đều làm đẹp cho mình có nghĩa là chúng ta đã đóng góp một vẻ đẹp cần thiết cho cuộc đời.

Đẹp vì mốt. Nhưng nếu có lúc nào đó, mốt không còn là cái cớ cho vẻ đẹp nữa thì mốt sẽ bị từ chối.

Mùa xuân này nói về mốt thì cũng phải nhớ ít nhiều đến cái mốt của mùa lũ lụt ở Huế. Tại sao không thể có một thứ mốt dành cho những xứ sở hay bị thiên tai hoặc lũ lụt. Cái mốt ấy có thể là rất lạ cho ta mà cũng lạ cho người ở xứ sở khác.

Vào năm 2000, chúng ta hy vọng rằng sẽ có một thứ mốt không giống ai.”

TRỊNH CÔNG SƠN

Hạnh ngộ âm nhạc: Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung (2021)

Bống – Hồng Nhung, không may mắn như đứa trẻ bình thường hạnh phúc. Bố mẹ chia tay khi Bống vừa chào đời. Bé bằng cái chai, Bống chuồi vào cuộc đời rợn ngợp mênh mông, như con bống nhỏ bơi lạc giữa Hồ Tây thủ đô. Khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa. Lê Văn Viện, cha Bống, dịch giả tiếng Anh, nuôi con theo cách dân gian là nuôi bộ và mẹ ông đã tận tình… giải cứu con trai bằng cách thân chinh nuôi cháu. Bống còn được ông nội Lê Văn Ngoạn, họa sĩ lứa tài năng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương yêu chiều cưu mang, bởi con đầu cháu sớm (Bống là gái đầu, bố là “trai hoi” của ông nội). Bạn bè của cha Bống ai cũng sẵn lòng thương quý con Bống nhỏ nhoi – thiếu hơi mẹ từ thuở lọt lòng.

Bống kể có lần thu thanh ca khúc về mẹ của Trịnh Công Sơn, cả Sơn và Bống đều không cầm được nước mắt khi Bống nghẹn ngào hát: Trong khi con nằm mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con đi… Và ở Hà Nội, Bống lần đầu hát tiếng Anh bài Papa, cả cha Bống và bằng hữu đều rưng lệ.

Tính cách Bống hình thành trong khung cảnh Hà Nội thời bấy giờ, giao thoa giữa thời chiến và thời bình, những năm 70, 80 thế kỷ XX, ở số nhà 11 Điện Biên Phủ,  êm đềm trong vòng tay yêu thương của ông bà nội, của cha và cả hệ thống bạn bè cha, đã tác thành Bống Hồng Nhung – một tính cách độc lập, biết giấu nỗi đau riêng, dưới vẻ ngoài mạnh mẽ, hài hước, và lịch lãm, nghiêng về tính dương. Lý do từ số phận riêng tư ấy đã đưa đẩy Bống theo cha vào Sài Gòn lập nghiệp hát từ tuổi 20, năm 1990, đủ xui khiến Bống – Hồng Nhung ca sĩ gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn nhạc sĩ, như hạnh ngộ bất ngờ, đủ đong đầy cuộc cách tân hát nhạc Trịnh, sau Khánh Ly, của giọng hát Hồng Nhung. Với cách hát khác và giọt nước mắt khác (thơ Olga Bergon – Nga): Năm tháng đắng cay hơn/ Năm tháng ngọt ngào hơn/ Em mới hiểu bấy giờ anh có lý/ Hạnh phúc đã qua rồi/ Anh đã xa cách thế/ Em khóc khác xưa rồi/ Hát cũng khác xưa theo (Bằng Việt dịch).

Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung bên ảnh chân dung Khánh Ly (TP.HCM, tháng 10.1994)


Năm 1970, Hồng Nhung chào đời, thì vào thời điểm ấy, Trịnh Công Sơn (sinh năm 1939), đã huy hoàng lên ngôi thần tượng âm nhạc ở miền Nam, rực rỡ phát sáng qua chiếu tỏa đặc biệt của giọng hát Khánh Ly. Một giọng hát nghiêng về ánh sáng trầm alto, hơi khê khàn, váng vất liêu trai, chập chờn mê hoặc người nghe, chỉ riêng có ở Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Và dường như duy nhất Khánh Ly, đã thấu suốt và đi hết đường biên vùng âm nhạc rộng rinh của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly vừa chứng tỏ một quyền năng ca sĩ tối hậu, lại vừa biểu lộ sự tự nguyện đóng đinh câu rút mình trên cây thập giá nhạc Trịnh. 

Tôi nhớ mãi khoảng thời gian giữa thập niên 1970, sau giải phóng miền Nam. Không gian Hà Nội tràn ngập hiện hữu bọn thanh niên đầu xanh tuổi trẻ chúng tôi, vừa tốt nghiệp đại học, đều bị choáng váng, ngây ngất bởi sự tân kỳ, chói chang, lộng lẫy, chưa từng nghe, từng biết, từ nhạc Trịnh, qua giọng hát mọng chín vẻ đẹp hoang hoải liêu trai, chứa chan hoan lạc buồn của Khánh Ly (Sơn Ca 7).

Tôi cùng bạn bè Hà thành đã nghe mê man, hát say đắm các ca khúc nhạc Trịnh, mà vừa chạm mặt, đã phải lòng. Âm nhạc Trịnh là cả một thế giới mới, chi chít ấn tượng tươi ròng, vừa thật lạ, lại thật quen. Với nỗi buồn sầu trong trời đất nổi cơn gió bụi, nỗi xót thương những tàn phai, niềm tiếc nuối vô bờ vẻ đẹp thoáng qua, vẫn gây mùi nhớ của tình đầu không thuận thảo, với Diễm xưa, Chiều một mình qua phố. Và Tuổi đá buồn, đóa hồng nhung héo môi hôn ngày chủ nhật. Đôi vai gầy thiếu nữ Huế ướt mềm ánh trăng, nhẹ lướt qua ngõ nhỏ gần Tỳ bà viện của đêm kinh thành Huế, ngan ngát đầy trời mưa bay… Và cùng nhạc Trịnh cất cánh lên cao, nghĩ ngợi vô vi, in dấu chân lên vườn địa đàng đầy gió và tiếng reo khe khẽ nắng thủy tinh. Cùng giấc mộng hôm nao em về, bàn chân buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên đây hoang vu. Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn. Vậy đấy, nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly đã đi không chỉ cùng tuổi xanh chúng tôi. Và không chỉ trong không gian Hà Nội, kể từ sau năm 1975. 

Tôi đã mang theo hành trang xa xứ của tuổi thiếu phụ, nhiều tình khúc nhạc Trịnh đẹp và buồn, cho đến ngày từ nước Nga về Sài Gòn định cư năm 1992. Và chứng kiến tận mắt, cuộc hạnh ngộ âm nhạc, giữa Trịnh Công Sơn nhạc sĩ và Hồng Nhung ca sĩ. Một hạnh ngộ đẹp bất ngờ. Giữa Sớm và Muộn, giữa Xanh và Chín

Chính cuộc hạnh ngộ ấy đã làm lung lay thói quen nghe nhạc Trịnh cố hữu của tôi, đã thành hoài niệm chẳng tàn phai, về vùng nhạc đẹp đến không thể quên, gắn chặt với một trùng phùng – giữa nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly.

Từ xa xứ trở về, do thân quen từ trước, Sơn và Bống Hồng Nhung đều muốn tôi nghe Hồng Nhung lần đầu hát Gọi nắng ở quán Nhạc sĩ, đường Nguyễn Văn Chiêm, bên hông Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thấy Trịnh Công Sơn ngồi ở chỗ thường quen, bên trái sân khấu, rưng rưng đợi nắng từ giọng hát Hồng Nhung. Đôi mắt mờ lệ sau cặp kính trắng. Quây quần quanh Sơn là những khuôn mặt và ly rượu bạn bè: Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, và hai nhạc sĩ ưa xê dịch, mới bay từ Hà Nội vào: Hồng Đăng và Đàm Linh.

Chính là Trịnh Công Sơn đã “mắt xanh” phát hiện khuôn mặt âm nhạc của mình, được phản chiếu lung linh, tươi sáng, qua giọng hát Hồng Nhung, như qua mặt hồ trong, phảng phất gương hồ nổi tiếng Hà thành: Hồ Gươm, Hồ Tây, Trúc Bạch.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “Bống Bồng Ơi” (TP.HCM, tháng 12.1993)


Sơn thấy mình xanh trở lại, như lá nõn mùa xuân trổ lộc. Lòng mềm dịu hẳn, trước giọng hát chín sớm của Hồng Nhung tuổi hai mươi. Có lẽ vì phải chín quá sớm, vượt thời gian, mà nó vừa mong manh, vừa mạnh mẽ, vừa khờ dại, vừa khôn ngoan, vừa khỏe khoắn, rắn rỏi, lại tinh tế nồng nàn, trong một phong thái biểu diễn trẻ trung hồn nhiên, già dặn kỹ thuật thanh nhạc sân khấu. Trịnh Công Sơn đã thật cảm động, viết liền ca khúc Bống Bồng ơi (sau là ca khúc Bống không là Bống và Thuở Bống là Người), riêng tặng cho tính cách âm nhạc và chất giọng soprano lảnh lót ngân rung của Hồng Nhung. Như lời ru êm của tình ái: Ru em ngồi yên đấy. Tôi tìm cuộc tình cho. Và như một thảng thốt ngạc nhiên trước sự trẻ lại của chính mình, trong giai điệu âu yếm, láy đi láy lại, thiết tha gọi một tia nắng: Nắng vàng, Em đi đâu mà vội/ Nắng vàng, Nắng vàng ơi/ Em đi đâu mà vội/ Lay nhẹ đóa hồng nhung/ Gió vàng gió vàng bay (ca khúc Bống Bồng ơi).

Dường như đã ngấp nghé nảy sinh lần nữa, một trùng phùng âm nhạc, giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một ca sĩ trẻ, sau Khánh Ly – với tuổi hai mươi yêu dấu của Hồng Nhung. Một tái sinh, mà Trịnh Công Sơn đã không thể ngờ.

Khi nghe những ca khúc như được dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung, nói như Sơn, là “rất hạp” với tính cách âm nhạc của Hồng Nhung, từ khi mới hát nhạc Trịnh: Bống Bồng ơi, Đường xa vạn dặm, Còn ai có ai, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Em hãy ngủ đi… Và cả về sau nữa, như Tiến thoái lưỡng nan, Để gió cuốn đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Đóa hoa vô thường, Ru tình… người nghe nhạc Trịnh có thể thấm thía cảm nhận: chính cuộc hạnh ngộ âm nhạc với Hồng Nhung, từ thập niên 90 thế kỷ trước, đã đưa đến nguồn cảm hứng mới trào dâng trong sóng nhạc Trịnh Công Sơn. Không vỗ về những buồn đau quá khứ, mà rộn ràng niềm an nhiên với hiện tại. Không chỉ ngoảnh mặt đau đáu vào nội tâm, mà đã hướng ra ngoài cây đời tươi xanh. 

Đặc biệt, Hồng Nhung đã đem cho Sơn một trực giác tươi lành về hy vọng, khi Hồng Nhung hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Ấy là khi Sơn cảm được đủ đầy cái tinh thần của hy vọng và vỡ ra rằng: tuyệt vọng chính là tên gọi khác của hy vọng. Bống bé bỏng đã làm được điều đó cho Trịnh Công Sơn, và hình như tuyệt vọng của hố thẳm, lần đầu đã được chuyển hóa hồn nhiên thành hy vọng sáng tươi.

Và vì thế, đã thành duyên nợ. Trước khi đột ngột về Trời, ngày 1.4.2001, Trịnh Công Sơn đã kịp làm cử chỉ âm nhạc ấm áp cuối cùng cho Hồng Nhung hát nhạc Trịnh. Sơn đích thân biên tập, dàn dựng âm nhạc, chọn bài, chọn người hòa âm, chọn ban nhạc đệm, hát nền cho Hồng Nhung, chọn ảnh bìa CD Thuở Bống là Người. Nhất thiết phải là bạn bè: Trần Mạnh Tuấn, Bảo Phúc. Ảnh, phải là Dương Minh Long.

Hồng Nhung trong đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn”, diễn ra tại ngôi nhà Trịnh Công Sơn từng sống trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM, tháng 4.2021). Ảnh: Duyên Phan


Sau nhiều lận đận, cuối tháng 2.2003, sau hai năm Sơn mất, CD Thuở Bống là Người mới ra mắt. Bìa CD ghi trang trọng: Biên tập: Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung. Và ba tấm ảnh tuyệt đẹp của Dương Minh Long chụp Sơn và Bống tuổi 22: Sơn cười hiền hậu và Bống cười hồn nhiên. Dưới mỗi ảnh, Bống ghi chú: Người nghệ sĩ lớn mà tôi gặp năm 22 tuổi là người đàn ông nhỏ bé, rất hóm hỉnh và cười rất tươi. Ở tấm ảnh khác, trên vai Bống đặt mấy ngón tay Sơn mảnh khảnh, Bống ghi: Có sự bình yên dịu dàng từ cuộc gặp gỡ như cho tôi một đời sống mới, như câu chuyện cổ tích “Bống Bồng ơi”. Và ảnh cuối, là lời Bống tri ân: Anh sáng tác và tôi hát, với cảm hứng hồn nhiên. Với mỗi bài hát ấy, anh và tôi có mong muốn gì hơn, là có thể mang lại chút niềm vui cho mọi người.

Thuở Bống là Người thắm đượm niềm vui sống an nhiên, và nỗi buồn trong vắt. Ca khúc Trịnh Công Sơn, với ca từ đẹp và chín mọng trong giai điệu chất chứa tầng nghĩa đậm nhạt, gần xa, lớp lang chồng chất đan cài như… thơ siêu thực, đã được Hồng Nhung hát nhẹ êm cứ như không: Ru em, Xa dấu mặt trời, Cỏ xót xa đưa, Bên đời hiu quạnh, Cũng sẽ chìm trôi… Hồng Nhung, bằng cách nào đó, đã làm đầy được những khoảng trống vô ngôn, theo phong cách ca từ hàm ngôn đến… vô ngôn của Trịnh Công Sơn. Như đoạn ca từ của Cỏ xót xa đưaNhững ngày ngồi rủ tóc âm u/ Nghe tiền thân về chào bóng lạ/ Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu. Kiểu ca từ đặc hiệu Trịnh Công Sơn này đòi người hát một nội lực thâm hậu, để hát vừa nhẹ như bấc, lại vừa chìm sâu đến đáy ca từ nặng như chì. 

Năm 2021, đã tròn 20 năm Trịnh Công Sơn về cõi. Thân xác nhạc sĩ tài hoa đã khuất lấp tận cuối trời. Tiếng hát của Hồng Nhung và không chỉ thế hệ ca sĩ Hồng Nhung, đã hiện diện chói sáng sự ở lại còn xanh mãi của âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa cõi đời này. Cùng cách nghĩ về cái sống cũng thật đôn hậu, thông thoáng và nhẹ nhõm đến vô thường của nhạc Trịnh: Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi

Chính vì thế, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã ở lại mãi. Trong cõi. Cùng chúng ta.

Và, gió đã chẳng thể cuốn đi…

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái  – Ảnh: Dương Minh Long

(Nguồn: Tạp chí Người đô thị)

MUSIC HOME và sự hồi sinh của Bống

Sự trỗi dậy cảm xúc thăng hoa đã đem đến sự hồi sinh của Bống, khán giả được chìm đắm trong không gian âm nhạc đầy mê hoặc của Music Home (đặc sản nghệ thuật của Truyền hình FPT dành tặng khán giả truyền hình vào tối thứ 6 cuối cùng mỗi tháng).

Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn của cô gái Bắc Kỳ, Hồng Nhung xuất hiện tinh tế, vui tươi với trang phục ấn tượng của nhà thiết kế Mai Lâm, ngôn ngữ thời trang luôn được Bống kết nối hài hòa với âm nhạc, mở màn bằng giai điệu man mác buồn của “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn) với nỗi nhung nhớ khôn nguôi của một người con xa và yêu Hà Nội đến cháy bỏng, Hồng Nhung hát như giải bày tâm sự, phiêu linh gây rung động, thương nhớ trong từng nốt nhạc.

Có người nói giọng hát Hồng Nhung là đặc sản tinh thần của người Tràng An, Hồng Nhung xứng đáng được yêu mến như vậy, bởi giọng hát của chị qua những bài hát về Hà Nội đã khiến người ta yêu Hà Nội hơn, thấy Hà Nội đẹp hơn. Ngay cả với những tác phẩm âm nhạc hiện đại, sôi động như “Phố cổ”, “Góc Hà Nội” của Nguyễn Duy Hùng hay sâu lắng như “Thư Hà Nội” (Nguyễn Vĩnh Tiến) cũng được chị hát đầy nâng niu, trân trọng. Âm nhạc của Nguyễn Duy Hùng đã phát lộ ra một góc rất đặc biệt trong giọng hát Hồng Nhung, đó là sự tung tẩy, vui tươi nhưng đầy quyến rũ, tinh tế, truyền cảm hứng lớn cho người nghe.

Đến với Music Home, Bống dành cho nhạc Trịnh Công Sơn một vị trí đặc biệt với 6 ca khúc xuất hiện xuyên suốt 04 phần trình diễn: Nhớ mùa thu Hà Nội, Một cõi đi về, Ru đời đi nhé, Ru em từng ngón xuân nồng, Hạ trắng, Hãy yêu nhau đi. Người nghe cảm nhận được sự trở lại và hồi sinh trong thần thái, cảm xúc và nội lực giọng hát của Hồng Nhung, âm nhạc Trịnh Công Sơn bừng sức sống thời đại với giai điệu ngẫu hứng của Blue, Jazz được kết hợp đầy tinh tế, điêu luyện.

Đỉnh điểm cảm xúc là khi Hồng Nhung trình diễn hai ca khúc “Đi học” và “Đếm sao”, với giọng hát trong sáng, hồn nhiên, Bống đã đưa khán giả chìm đắm trong không gian âm nhạc của tuổi thơ. Có lẽ, Hồng Nhung là ca sỹ đặc biệt nhất của Việt Nam khi đầu tư sản xuất các album nhạc thiếu nhi rất công phu, chuyên nghiệp, 20 năm rồi người nghe nhạc vẫn còn yêu thích, say mê album “Cháu vẽ ông mặt trời” .

Lâu rồi (chắc phải nửa thập kỷ) khán giả của Hồng Nhung mới được thưởng ngoạn một đêm nhạc Hồng Nhung nhiều sắc màu và hay đến vậy, suốt cả đêm nhạc Hồng Nhung liên tục cảm ơn các thành viên của ban nhạc Anh Em và nhóm bè VK, đó là sự trân trọng của chị dành cho những người hỗ trợ mình trên sân khấu, Ban nhạc Anh Em đã có một đêm chơi nhạc thăng hoa cùng Hồng Nhung.

Music Home mùa 2 khép lại với đêm nhạc đẳng cấp trong không khí Noel ấm áp, chào đón năm mới, Hồng Nhung đã đến và hát bằng cả trái tim dành tặng cho khán giả, điều quan trọng nhất là sau những thăng trầm trong đời sống, giọng hát Hồng Nhung đã hồi sinh trở lại, đó là may mắn cho nghệ sỹ và người yêu nhạc.

Mạnh Hải

Sự xuất hiện bất ngờ của album Hồng Nhung hát nhạc Phú Quang

Sau khi Hồng Nhung gây hiệu ứng cực mạnh với “Em ơi! Hà nội phố” trong chương trình “Ký ức vui vẻ” – VTV3 (trên youtube đã có hơn 1,3 triệu lượt xem), thị trường bất ngờ xuất hiện album “Hồng Nhung – Tình khúc nhạc Phú Quang” với 10 ca khúc gắn liền với tên tuổi Hồng Nhung.

“Hồng Nhung – Tình khúc Phú Quang” được thiết kế theo phong cách tối giản, đảm bảo được thẩm mỹ, tương quan hài hòa giữa âm nhạc và hình ảnh, đó là sự sang trọng pha chút nổi loạn quyến rũ của người đàn bà từng trải. Hồng Nhung trong “Nhật ký từ những chuyến đi” tâm sự rằng: “Tôi hiểu được điều quan trọng nhất trong tiếng hát chính là tâm hồn, một tâm hồn thuần khiết Việt Nam – Tôi tin đó là chìa khóa thành công của tôi”. Đối với người yêu nhạc Phú Quang qua giọng hát Hồng Nhung họ cảm nhận được đó là những lời ca từ “một tâm hồn thuần khiết Hà Nội”, bản sắc độc đáo được kiến tạo từ suối nguồn cảm xúc thanh lịch của người Hà Thành đã làm nên “Em ơi! Hà Nội phố”, “Về lại phố xưa”, “Nỗi buồn”, “Tình khúc 24”, “Khúc mưa” rất riêng mà chính tác giả phải thừa nhận “chưa thấy ai hát hay hơn Hồng Nhung”.

Nhạc sĩ Phú Quang là một nhà sản xuất âm nhạc, một “nhạc sĩ – doanh nhân” thành đạt nhất ở thế hệ của ông. Ngay từ thập niên 80, 90 ông đã rất thành công trong việc kinh doanh âm nhạc, nắm bắt tốt xu hướng, thị hiếu, xác định rõ đối tượng khán giả nên album và vé live show của ông sản xuất luôn ở topten bán chạy nhất. Ca sĩ Mỹ Linh từng chia sẻ: Chị Hồng Nhung có khi đùa rằng, có lẽ chú Phú Quang định sử dụng những bài chú thu cho mình đến bao giờ mình già đi, chết rồi (cười). Chú cứ xào xáo từ băng này qua băng kia bởi chú là nhà sản xuất mà, chú ấy cứ nhặt bài này cho vào băng này, rồi nhặt bài kia cho vào bằng kia…” (Trò chuyện cuối tháng – Báo An ninh Thế giới cuối tháng – 4/2002). Điều này lý giải vì sao trong bài phỏng vấn Hồng Nhung về âm nhạc Phú Quang mới nhất trên báo Tuổi trẻ ngày 21/6/2020 chị đã thắc mắc: “Hình như chú mới ra đĩa Hồng Nhung – Phú Quang”, thực ra đây là album tuyển tập không chính hãng (đĩa fake), được một cửa hàng băng đĩa đặt hàng thiết kế, in ấn chất lượng như đĩa gốc bán rộng rãi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ thế hệ ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương, Quang Lý…đến thế hệ Mỹ Linh, Ngọc Anh, Tấn Minh, Phương Anh, Đức Tuấn, Kasim Hoàng Vũ, Minh Chuyên, Minh Thu…đều có album riêng hát nhạc Phú Quang được phát hành rộng rãi. Tuy nhiên, Hồng Nhung vốn là một trong những giọng ca đinh trong các album và live show Phú Quang suốt 30 năm qua nhưng chị chưa có một album riêng hát nhạc Phú Quang dù khán giả rất chờ đợi và kỳ vọng.

CD “Hồng Nhung – 10 Tình khúc Phú Quang” được biên tập từ các CD đã phát hành của nhạc sĩ Phú Quang. 03 bản thu “Em ơi! Hà Nội phố”, “Về lại phố xưa” và “Nỗi buồn” là những bản thu mới cho album “Phú Quang – Gửi một tình yêu”; “Điều giản dị” được trích từ “Vol 6 – Điều giản dị”;  04 ca khúc “Mùa hạ còn đâu”, “Mây xưa”, “Khúc mưa” và “Tình khúc 24” được trích từ “Vol8 – 13 chuyện bình thường”; “Hoàng hôn dốc” được trích từ “Vol 10 – Phố cũ của tôi”; Nỗi nhớ mùa đông được trích từ album “Tình khúc Phú Quang – Nỗi nhớ mùa đông”. Chỉ có “Mây xưa” và “Nỗi nhớ mùa đông” là bản thu ở đầu thập niên 90, còn 8 bản thu còn lại là những bản thu mới ở thập niên 2000.  

Nhạc sĩ hiện đang điều trị tại bệnh viện, khán giả mong ông sớm bình phục để trở lại cùng khán giả trong những đêm nhạc Phú Quang sang trọng, ấm cúng cùng không khí se lạnh gió heo may của mùa thu Hà Nội. Hồng Nhung chia sẻ: “Không ở nhà đã hai tháng nay, qua Tấn Minh và các ca sĩ, Nhung có biết tình hình chú Quang. Cầu mong chú qua được giai đoạn khó khăn này…” và trong chương trình âm nhạc live stream tại nhà nhạc sĩ Vũ Quang Trung ở Mỹ chị đã hát “Im lặng đêm Hà Nội” và “Em ơi! Hà Nội phố” thấm đẫm cảm xúc thương nhớ Hà Nội.

Mạnh Hải (7/2020)

Thông tin về một số ca khúc Phú Quang gắn với giọng hát Hồng Nhung:

1. Tình khúc 24: Hồng Nhung thu âm đầu tiên vào năm 1992, được đưa vào trong băng nhạc Phú Quang “Mùa hạ còn đâu” – 1993, bản thu thành công rực rỡ, lọt bảng xếp hạng Topten Làn sóng xanh 97 và giữ kỷ lục gần như rất hiếm ca sĩ nổi tiếng cover suốt gần 30 năm qua. Sau này, Hồng Nhung có thêm bản thu năm 2004 trong CD “Phú Quang – 13 chuyện bình thường”.

2. Em ơi! Hà Nội phố: Phổ biến có 03 bản thu trong các album Đoản khúc thu Hà Nội (1997), Phố cũ của tôi (2005) và Gửi một tình yêu (2009). Cùng với Tình khúc 24 (bản thu 1992), Em ơi! Hà Nội phố (bản thu 1997) đã được Phú Quang lựa chọn là 02 bản thu hay nhất để đưa vào CD “Mới thôi…mà đã một đời” (tập hợp các bản thu hay nhất). Ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” rất nổi tiếng với giọng hát Hồng Nhung từ năm 1994.

3. Khúc mưa: Sau 15 năm sáng tác, Hồng Nhung là người đầu tiên thu âm và đưa ca khúc lọt vào Topten Làn sóng xanh 98. Có 03 bản thu trong các album Khúc mưa (1994), Ru tình (2000) và 13 chuyện bình thường (2004).

4. Nỗi buồn: Mặc dù là một bản HIT đình đám nhưng Hồng Nhung chỉ có duy nhất 01 bản phòng thu năm 2009 trong CD “Gửi một tình yêu”, bản live xuất thần được Phú Quang đưa vào “Vol7 – Ngoảnh lại”.

5. Về lại phố xưa: Hồng Nhung có 02 bản thu trong Vol5 “Về lại phố xưa” (2001) và album đặc biệt “Phú Quang – Gửi một tình yêu” (2009). Nhạc sĩ Phú Quang đánh giá Hồng Nhung là người hát hay nhất “Về lại phố xưa” mở mức độ “không đối thủ”.

Trịnh Công Sơn: “Tôi sẽ có một bài hát về chiếc răng khểnh của Hồng Nhung”

LỜI TỰA: Cuối thu, đầu đông năm 1993, băng nhạc Trịnh Công Sơn “Hồng Nhung – Bống bồng ơi” ra mắt công chúng đã tạo nên hiện tượng âm nhạc “vô tiền khoáng hậu” làm nức lòng khán giả yêu nhạc Sài Gòn, Bống đã thổi luồng gió mới cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, tạo lập trường phái hát Trịnh của riêng mình, cuộc gặp gỡ định mệnh của Trịnh Công Sơn & Hồng Nhung là một may mắn không chỉ cho nhạc sĩ, ca sĩ mà cả cho công chúng yêu nhạc. Giữa thập niên 90, trong một bài phỏng vấn tại hải ngoại nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận định: “Hồng Nhung hát nhạc Trịnh rất hay” còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ông hoàn toàn hài lòng như ông chia sẻ: “Sau Khánh ly, tôi may mắn tìm được Hồng Nhung”.

untitled-7-1.jpg

Đầu xuân Giáp Tuất 1994, nhà báo Lưu Trọng Văn đã thực hiện 02 bài về Trịnh Công Sơn & Hồng Nhung. Bài thứ nhất: “Bống bồng ơi, đi đâu mà vội!” phỏng vấn Trịnh Công Sơn về Hồng Nhung  đăng trên Báo Thanh niên (16/01/1994) sau này đưa vào cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người” và không được biết đến nhiều nhưng có rất nhiều chi tiết thú vị, trong đó có lời hứa của nhạc sĩ sẽ viết tặng cho Hồng Nhung một bài hát về chiếc răng khểnh trứ danh của Bống. Ngược lại, bài thứ hai: “Hồng Nhung & Bống bồng ơi” được đăng trên số Xuân 1994 của Báo Lao động lại phỏng vấn Hồng Nhung xoay quoanh mối nhân duyên với nhạc Trịnh, sau này bài viết được đưa vào cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Người hát rong qua nhiều thế hệ” và rất phổ biến trên mạng.

Untitled 9

Sau đây xin trích lại nội dung phỏng vấn trong 02 bài báo trên:

BỐNG BỒNG ƠI, ĐI ĐÂU MÀ VỘI..?

Trịnh Công Sơn: Âm nhạc của tôi nói cho cùng nó chỉ là kỷ niệm của tôi và rồi nó là kỷ niệm của người nghe.
Lưu Trọng Văn: Nghe Hồng Nhung hát nhạc của anh, tôi có cảm giác Nhung đã làm cho nhạc của anh mang dư âm thôi thúc thay cho dư âm…giải bày. Và ngược lại nhạc Trịnh Công Sơn đã khai sinh ra một Hồng Nhung khác…
Trịnh Công Sơn: Trước đây Hồng Nhung thiên về nhạc gào thét, chạy theo một cái gì không phải là mình.

cropped-hong-nhung1.gif

Lưu Trọng Văn: Phải chăng đó là một sự ép xác mà cảm giác thán phục kèm với cảm giác tội nghiệp?
Trịnh Công Sơn: Bây giờ Hồng Nhung trở về với cái “e” dân ca, “e” trữ tình, trở về sự tinh tế, trở về chính mình.
Lưu Trọng Văn: Nhưng tôi có cảm giác Nhung đang sợ tan biến đi mất.

Trịnh Công Sơn: Khi thu bài “Bống bồng ơi” trong phòng thu chỉ có tôi, Nhung và Bảo Phúc. Nhung bắt tôi đến gần, Nhung nắm lấy tay tôi, vừa nắm tay tôi vừa hát thu băng.
Lưu Trọng Văn: Còn tay kia của anh?
Trịnh Công Sơn: Cầm ly uống rượu. Có lẽ vì thế buổi ấy Nhung hát phiêu linh lắm (cười).
Lưu Trọng Văn: Phiêu linh đến mức sẽ tan biến?

Trịnh Công Sơn: Em là …nắng, gió…là da…em mà
Lưu Trọng Văn: Nhưng lởn vởn còn lại là gì? Phải chăng là cái hư không? Là cái vơ vẩn? là cái …thiền? Nhưng thôi, thưa chàng nhạc sĩ đa tình, cái chuyện này phải bàn cả cuốn sách, để kết thúc bài viết cho khỏi mông lung, xin hỏi nhạc sĩ rất cụ thể, anh có định làm một bài hát về răng khểnh của cô Bống ?

Trịnh Công Sơn: Những cô bạn trước đây của tôi đều không có răng khểnh, còn Hồng Nhung lại có những hai răng khểnh – khểnh gấp đôi, chắc chắn tôi sẽ có một bài hát về chiếc răng khểnh.

 (Trích từ bài viết “Bống bồng ơi, đi đâu mà vội” của Lưu Trọng Văn trên Báo Thanh Niên – 16/01/1994, sau này được đưa vào sách “Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người”)

HỒNG NHUNG & BỐNG BỒNG ƠI

Hồng Nhung: Đến bây giờ em vẫn không thể tả được cảm giác của mình bằng lời, em chỉ biết tiếng hát Khánh Ly mặn lắm. Đến giờ, Khánh Ly vẫn là ca sĩ Việt Nam em yêu thích nhất, về mặt thanh nhạc, Khánh Ly hát tưởng như chẳng có kỹ thuật gì mà lại rất kỹ thuật, âm thanh đều, rất mở mà… như không.

* Còn nhạc Trịnh Công Sơn ?

Hồng Nhung: Trước đây, chưa bao giờ em hát nhạc Trịnh Công Sơn mặc dù thích từ lúc năm tuổi. Em không hát chẳng qua vì cứ nghĩ không thể hát được.

* Nhưng cũng có một lần nào đó hát thử chứ ?

Hồng Nhung: Lần đầu tiên, cách đây hơn một năm tại nhà nhạc sĩ Thanh Tùng, em hát bài Lặng lẽ nơi này của Trịnh Công Sơn, nhưng em hát sai lời và sai cả nốt. Ông Sơn (Hồng Nhung quen gọi Trịnh Công Sơn bằng “ông”) lúc đó say rồi, tiến về phía em, em sợ quá vì mình đã hát trật, nhưng ông Sơn đưa hai cánh tay gầy guộc ra xắn tay áo cho em, rồi ông cúi xuống xắn ống quần dài lụng thụng của em, rồi hát Lặng lẽ nơi này để em hát theo cho khỏi sai lời, sai nhạc.

Untitled 18

* Còn nhớ đó là ngày nào ?

Hồng Nhung: Không nhớ được mới dại chứ! Nhẽ ra em phải ghi vào nhật ký. Sau tối đó, em không ngủ được, em dở tập nhạc Trịnh Công Sơn ra và tập hát bài Em hãy ngủ đi. Không hiểu sao, em lại chọn bài đó, có lẽ vì em tưởng bài đó được dành riêng cho em. Tất cả những người thích nhạc Trịnh Công Sơn đều cảm thấy có một bài hát nào đó dành riêng cho mình mà thôi.
(Khẽ hát) …
“Rừng đã cháy và rừng đã héo Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi
Ngủ đi em, đôi môi lửa cháy…”

* Chắc giấc ngủ đến với Hồng Nhung không dễ ?

Hồng Nhung: Mọi thứ đến với em đều rất khó, nhưng khi nhắm mắt ngủ chẳng còn gì khó nữa. Khi hát Em hãy ngủ đi, em cảm giác mình đang được nhắm mắt lại.

* Nếu bất chợt vu vơ lời hát nào của Trịnh Công Sơn thường đến với Nhung?

Hồng Nhung: “Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu”.

* Còn khi xuất hiện “Bống bồng ơi !” ?

Hồng Nhung: “Nắng vàng, em đi đâu mà vội, mà vội”.

* Toàn là những cuộc bỏ ra đi…

Hồng Nhung: Không, em không cảm giác có sự bỏ đi, không cảm giác gì hết mà… Khi hát lên những câu ấy, chỉ thấy… thương thôi.

* Ở trong hồ ngực Trịnh Công Sơn luôn ắp tràn những giọt yếu đuối, hình như Sơn không dám tin cái tình yêu, tình thương hiện hữu, nên đã cố xô đẩy nó vào cõi kỷ niệm để ngồi nuối tiếc. Hồng Nhung có muốn tìm sự hòa cảm với con người này không ?

Hồng Nhung: Hòa cảm, chán lắm! Giống hệt nhau, chán lắm! Có thể tâm hồn ông Sơn vĩ đại, còn tâm hồn em bé tí nhưng tâm hồn ông Sơn là của ông Sơn, còn tâm hồn em là của riêng em. Ông Sơn sáng tác còn em thể hiện.

* Hồng Nhung đã thể hiện không phải cái Sơn cảm về nhạc của Sơn, mà thể hiện cái Hồng Nhung cảm về nhạc của Sơn ?

Hồng Nhung: Có lẽ ông Sơn thích em vì em hát nhạc ông Sơn theo cách riêng của em.

* Nhưng cũng có người không thích ?

Hồng Nhung: Nhiều người chê rằng, em hát nhạc Trịnh Công Sơn “cứng” quá. Em nói : Tiếng hát phát ra từ em như thế… nó là như thế.

* Phải chăng nói cho cùng đó là vấn đề thế hệ ?

Hồng Nhung: Đúng, thế hệ của em sau thế hệ Khánh Ly hơn 20 năm rồi, nỗi buồn cũng khác, cách cảm cũng khác. Em được thế hệ này tạo ra, tự nhiên em phải hát nhạc Trịnh Công Sơn theo cách cảm của thế hệ mình.

* Nhạc sĩ Hồng Đăng nói rằng, Hồng Nhung sinh năm Canh Tuất, tính cách ứng ở cung “cường” nên sống sôi động mạnh mẽ, và, phải chăng chính là vậy…

Hồng Nhung (khẽ cười): Xin lỗi anh, anh cho em vừa nói chuyện vừa trang điểm, vì, em chuẩn bị đi tập hát Hạ trắng theo nhạc Jazz đấy.

*********

Bỗng, cửa dập, Nhung khẽ giật mình thảng thốt. Tôi nhìn Nhung thể xác mảnh mai, vậy mà, sao tiếng hát từ đâu lại dữ dội, mạnh mẽ đến thế, vâng, theo tôi, chính nội lực tràn trề này đã nâng từng nốt nhạc Trịnh Công Sơn bớt xiêu đi một chút, đả phá từng giọt sáng tinh khiết, trẻ trung lên từng dòng nhạc, lên từng dòng đời của người nhạc sĩ đa tình, đa cảm, đa sầu này. Chợt từ đôi môi nửa son, nửa không son của Hồng Nhung buột ra tiếng hát, vâng, vẫn cái điệp khúc ấy :
“Nắng vàng, em đi đâu mà vội, mà vội, nắng vàng ơi !”

Hồng Nhung (không rời gương và thỏi son) :
Ông Sơn giỏi kinh khủng, em là thế đấy, lúc nào cũng vội…

* Vậy cái đích của vội là gì ?

Hồng Nhung (nhìn vào mình trong gương): Chẳng là gì hết, chẳng có gì hết! Có đích rồi thì cứ thong thả mà đến, việc gì vội ? Anh có tin không, em luôn cảm thấy cô đơn (mím đôi môi cho son đều trên môi).

* Vậy, những gì với…

Hồng Nhung: Em thương ông Sơn kinh khủng.

* Theo nghĩa muốn chở che ?

Hồng Nhung: Chẳng ai chở che được cho ông Sơn đâu, mặc dù em đã muốn kéo ông Sơn ra khỏi sự cô đơn vô nghĩa. Em cảm thấy sung sướng với “Bống bồng ơi”. Ông Sơn đã trở lại sáng tác. (Vu vơ hát) : “Nắng vàng em đi đâu mà vội…” (bỏ gương xuống, xếp hộp phấn son lại). thật ra em chỉ là một ca sĩ hát nhạc Trịnh Công sơn mà thôi, và khi hát em luôn có cảm giác thương thương lặm Thương ai ư? Tất nhiên, trước hết em thương mình…

ed184-im53lp
*********

Tôi cầm điện thoại lên ấn số của Trịnh công Sơn, từ đầu dây bên kia ở phố Duy Tân, giọng Huế của chàng Sơn vang lên, tôi nói: “Ông Sơn ơi, tôi đang ngồi ở nhà Hồng Nhung tại Văn Thánh đây, lúc nãy gió dập cửa sổ làm cô nàng giật mình đấy.”

Trịnh Công Sơn (cười) : Vì Bống sợ có anh nào đến bắt gặp ông đang ở đấy đấy.

* A lô! Ông Sơn ơi, hỏi ông một câu qua điện thoại nhé : “Với Hồng Nhung, ông có nghĩ rằng, ông đã tìm được một ca sĩ hát nhạc của ông thay thế Khánh Ly không ?”

Trịnh Công Sơn: Ông hãy hỏi Hồng Nhung câu hỏi này.

Hồng Nhung: Em không đồng ý thay thế ai hết. Khánh Ly lúc nào cũng ở vị trí ấy, còn em, hát nhạc Trịnh Công Sơn, như bao nhiêu ca sĩ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn, và có vị trí riêng của mình.

LƯU TRỌNG VĂN – Xuân Giáp Tuất , 1994

MẠNH HẢI (TỔNG HỢP)

 

Kỳ 4: VHS “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” – Thanh xuân của hàng triệu khán giả truyền hình

Năm 1991, chương trình ca nhạc “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” lên sóng đã tạo nên hiện tượng đặc biệt đối với khán giả truyền hình, hình ảnh cô ca sĩ “răng khểnh” ngồi hát trong chiếc giầy khổng lồ với giọng hát trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên đã trở thành ký ức thanh xuân tươi đẹp của hàng triệu khán giả truyền hình.

Untitled 12

Cuối thập niên 80 (thế kỷ XX), Hồng Nhung là một trong hai ca sĩ trẻ nổi bật nhất làng nhạc nhẹ phía Bắc (cùng với Thanh Lam), tạo được tiếng vang lớn trên các sân khấu ca nhạc toàn quốc với 3 bản HIT đình đám: Papa (Paul Anka), Lời của gió (Duy Thái), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), album “Tiếng hát Hồng Nhung” phát hành năm 1988 được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Năm 1991, báo giới trong nước đồng loạt đưa tin về việc di trú của họa mi Hà Nội vào phương Nam nắng gió, Hồng Nhung nhanh chóng gia nhập Đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn, đại diện tham gia cuộc thi “Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc 1991” tại Hà Nội, chị đoạt giải Nhất cùng ca sĩ Mỹ Hạnh. Sau đó, Trung tâm Dịch vụ Truyền hình Cần Thơ đã sản xuất chương trình “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” để phát sóng truyền hình và in băng video (VHS) bán thương mại trên toàn quốc. Trước khi kết duyên với âm nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung đã có một khoảng thời gian ngắn tìm lối “hội nhập” với trào lưu âm nhạc đang thịnh hành tại Sài Gòn, chị hát “Nắng chiều” (Lê Trọng Nguyễn), “Tình khúc chiều mưa” (Nguyễn Ánh 9)…trong nhiều cuốn băng liên khúc với sự góp mặt của các danh ca hàng đầu làng nhạc phía Nam, nếu được nghe lại những bản ghi âm này khán giả sẽ rất thích thú bởi sự phóng khoáng, trẻ trung đầy hấp dẫn trong giọng hát của Hồng Nhung khiến người ta tin rằng không gặp Trịnh Công Sơn thì Hồng Nhung sẽ vẫn rất nổi tiếng với phong cách âm nhạc khác.

Năm 1997, Hồng Nhung đã tạo ra ý kiến trái chiều về việc tự viết kịch bản cho Live show xuyên Việt mang tên “Hồng Nhung – Bống bồng ơi”, không ít bài báo tranh luận quyết liệt có khen, có chê về việc lần đầu tiên ở Việt Nam có một ngôi sao nhạc nhẹ tự làm MC cho chính live show riêng của mình với những câu chuyện dẫn dắt bài bản, phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật xuyên suốt của chương trình. Đến nay, cách làm này lại trở thành trào lưu thịnh hành, không còn nhiều ca sĩ mời MC cho live show riêng hoặc xếp lượt ra hát như trước, mỗi người nghệ sĩ trở nên chuyên nghiệp hơn trên sân khấu khi tự tin giới thiệu bài hát, dẫn dắt, giao lưu, chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của mình với khán giả.

This slideshow requires JavaScript.

Trước đó, tư duy nghệ thuật khác biệt của Hồng Nhung đã sớm thể hiện ngay từ chương trình “Hồng Nhung – Cô bé vô tư” với những đoạn phỏng vấn ngắn hay các đoạn dẫn dắt đan xen giữa 06 ca khúc trong tổng thể kịch bản chặt chẽ với thông điệp ý nghĩa, triết lý nhân văn, sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống.

Untitled 11

Mở đầu băng nhạc là ca khúc chủ đề “Cô bé vô tư” của Trần Tiến, tưởng chừng bài hát được tác giả viết dành cho Hồng Nhung, sự yêu đời, trong sáng của cô bé mới lớn được Bống lột tả xuất sắc, ấn tượng nhất là hình ảnh Hồng Nhung ngồi trong chiếc giầy khổng lồ ngân nga: “Đừng yêu em anh nhé, em không làm người lớn đâu anh….em vẫn còn bé lắm anh ơi….em muốn làm con dế vô tư hát lang thang…Người lớn chỉ có lo toan, muộn phiền, tuổi già vội đến mà thôi”. Hồng Nhung chia sẻ: “Hồng Nhung thích bài cô bé vô tư vì như tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong bài hát này, một tuổi thơ sống vô tư đầy ắp những kỷ niệm và những hạnh phúc nho nhỏ quanh mình”. Ca khúc “Cô bé vô tư” nổi tiếng khắp cả nước trên sóng đài tiếng nói và truyền hình với 4 bản thu khác nhau, năm 1996 nhạc sĩ Nguyễn Hà đã hòa âm mới cho Hồng Nhung thu âm lại trong băng nhạc “Tạm biệt chim én” với giọng hát “người lớn” đang ở thời kỳ đỉnh cao. Ngày ấy, nickname “Cô bé vô tư” trở thành tên gọi khác của Hồng Nhung, nổi tiếng không kém tên gọi thân mật “Bống”.

This slideshow requires JavaScript.

Untitled 9

Với một tinh thần tươi trẻ, đầy hoài bão, khát khao của một nghệ sĩ trẻ, Hồng Nhung đã thổi luồng gió mới cho ca khúc “Trẻ mãi” (Ca khúc nhạc ngoại Forever young), Hồng Nhung rực rỡ trên sân khấu, giản dị trong phòng thu được đạo diễn Trần Kiên lựa chọn làm bối cảnh chính để quay hình cùng với lồng ghép những hình ảnh Hồng Nhung trên báo chí. Hòa nhịp cùng “Trẻ mãi” là giai điệu sôi nổi, vui tươi của “Mặt trời êm dịu” (Dương Thụ), cái chất “ngây thơ” vốn là đỉnh nút cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật của Dương Thụ được Hồng Nhung lột tả nhẹ nhàng như bấc.

Untitled 7

Giữa những niềm vui, hân hoan, Hồng Nhung khiến cảm xúc khán giả trùng xuống với ca khúc “Kỷ niệm buồn” (Bài hát Nhật Bản, ở Việt Nam nổi tiếng với lời Việt mang tên “Tàn tro”), đó là câu chuyện buồn của cô gái lần đầu biết yêu mà phải xa người yêu, Hồng Nhung tâm sự: “Nỗi buồn thường đến với Hồng Nhung những lúc ngồi một mình, song theo Hồng Nhung nếu không cảm nhận được nỗi buồn thì thật khó để thấy được đầy đủ giá trị của niềm vui”.

Untitled 2

“Tư chất và tài năng của con người không phải tự nhiên mà có, nó phải được rèn luyện và tích lũy qua nhiều tháng năm gian khổ, tựa như những hạt mưa nhỏ thấm sâu vào lòng đất tạo thành những con suối, những con suối tạo thành những dòng sông, và nhiều con sông tạo nên biển cả và đã là biển thì không thể không có sóng” đó là lời dẫn của Thanh Bạch cho ca khúc “Ru em bằng tiếng sóng” của Dương Thụ đã vẽ lên tâm thế sống và sáng tạo nghệ thuật của Hồng Nhung. Bống đã hát rất hay câu hát kết: “Tiếng sóng biển khát khao, khát tình yêu trong sáng”.

Untitled 5

Không chỉ thành công với “Lời của gió”, Hồng Nhung ghi đậm dấu ấn với âm nhạc Duy Thái qua ca khúc “Hãy đến với em, “Tình yêu đầu tiên”, ca khúc “Tình yêu đầu tiên” kết băng nhạc “Cô bé vô tư” với giai điệu sôi động, ngập tràn niềm sự yêu đời, hồn nhiên, Hồng Nhung đã đem đến nhịp điệu của dance làm rung rinh, tan chảy trái tim của người nghe. Và câu hỏi cuối cùng của MC Thanh Bạch: “Theo Hồng Nhung tình yêu là gì?”, chị đã trả lời rằng: “Hồng Nhung vẫn mường tượng tình yêu như một bức tranh mà mỗi một lần ngắm nó ta lại khám phá ra một điều bí ẩn” và bỏ ngỏ câu hỏi: “Thế Hồng Nhung đã có bức tranh ấy chưa?”.

Sự thành công của chương trình “Cô bé vô tư” phải kể đến tài năng của đạo diễn Trần Kiên, MC Thanh Bạch cùng êkip thực hiện, những hình ảnh đẹp, sống động tái hiện thời kỳ đất nước đang trong giai đoạn đổi mới còn nhiều vất vả, khó khăn, khi đó không thể thiếu đi món ăn tinh thần âm nhạc, ít nhiều “Cô bé vô tư” đã mang được thông điệp về sự lạc quan, yêu đời, niềm vui đến cho khán giả. Với tâm hồn nghệ sỹ trong sáng và niềm đam mê cháy bỏng thực sự là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo không ngừng của Hồng Nhung trong những dự án nghệ thuật.

Mạnh Hải 

 

Hồng Nhung phát sáng trở lại hào quang đỉnh cao với âm nhạc Dương Thụ

49948383_10156614444262819_9167445665670758400_o

Xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, gợi cảm và rất đỗi trẻ trung, tươi mới, Hồng Nhung đến với đêm nhạc “Đánh thức tầm xuân” bằng tình cảm nồng ấm dành cho nhạc sĩ Dương Thụ, dù vẫn còn đâu đó phảng phất nét vương buồn của câu chuyện ngày cũ nhưng Hồng Nhung đã có những khoảnh khắc xuất thần, phát sáng trở lại hào quang đỉnh cao với âm nhạc Dương Thụ.

49946607_1263742670446128_7283729424040591360_n

 Hồng Nhung đã thổi hồn vào từng lời ca như những hạt mưa thấm sâu vào lòng người, gieo những niềm vui và hy vọng trong nỗi buồn mênh mang của đời sống. “Những hạt mưa” một ca khúc mới tinh của Dương Thụ được Hồng Nhung nâng niu, trân trọng khám phá lối hát phù hợp nhất, hay nhất tạo điểm rơi ấn tượng cho đêm nhạc.

af1i0338

Nếu Thanh Lam cảm nhận vẻ đẹp của nhạc Dương Thụ ở sự lãng mạn thì Hồng Nhung lại khám phá vẻ đẹp trong âm nhạc của Dương Thụ ở sự “ngây thơ”, chẳng ai có thể hát nũng nịu, trong sáng nhưng đầy xót xa như Hồng Nhung: “Đừng xa vội xa em, vội sớm câu vĩnh biệt, giận chi giận chi em, lời nói em gió thoảng…”, hòa cùng tiếng dương cầm của nhạc sĩ Bảo Chấn, giọng Hồng Nhung trầm bổng, thăng hoa trong từng câu hát, bằng sự mộc mạc, giản dị chị đã chinh phục tuyệt đối khán giả của “Đánh thức tầm xuân”.

Hồng Nhung song ca cùng Bằng Kiều ca khúc “Bây giờ biển mùa đông”

50282435_1263742703779458_6153136771505848320_o

Rồi đây khán giả của hai đêm nhạc “Đánh thức tầm xuân” tại Nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh sẽ lưu giữ trong những trang ký ức nghệ thuật của mình về hình ảnh Hồng Nhung – Người hát nhạc Dương Thụ hay nhất với những cảm xúc khó quên. Và tối nay (19/01), “Đánh thức tầm xuân” sẽ diễn ra ở Hà Nội, hy vọng Hồng Nhung vẫn ủ lửa để phát sáng như đã từng…

Mạnh Hải

…Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới…